Thiếu tá Nguyễn Đình Chung – đại diện Công ty tư vấn và thiết kế xây dựng công trình hàng không trình bày nội dung điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 - ẢNH: QUANG ĐỊNH
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Sẽ thuận lợi nếu giao cho ACV
Trong 21 cảng hàng không trên cả nước chỉ có Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh có lãi trong kinh doanh, còn những cảng như Điện Biên, Cà Mau và nhiều cảng hàng không khác đang phải bù lỗ, theo cách điều tiết từ phần lãi sang phần lỗ. Việc giao ACV làm chủ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng có hiệu quả tài chính nói chung và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất nói riêng rất cần thiết để tạo nguồn bù đắp một phần vốn đầu tư và duy trì khai thác liên tục tại các cảng hàng không không mang lại hiệu quả mà ACV đang quản lý.
Về thời gian thực hiện, ông Đông cho rằng nếu giao cho ACV thực hiện sẽ thuận lợi trong việc tổ chức lập ngay dự án, vì kế hoạch năm 2018 đã giao cho tổng công ty này nghiên cứu tiền khả thi xây nhà ga T3.
* TS Nguyễn Việt Hùng (nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và đầu tư): Không thể vì lý do quá tải để kiến nghị chỉ định nhà đầu tư
Nói vậy bởi việc quá tải sân bay, bộ đã biết từ lâu, tại sao không sớm có phương án giải quyết? Hơn nữa, ngay cả chỉ định nhà đầu tư thì Bộ GTVT vẫn phải xây dựng hồ sơ với những yêu cầu xây dựng nhà ga hành khách T3. Do đó, quá trình lựa chọn nhà đầu tư nhanh hay chậm phụ thuộc vào hồ sơ của Bộ Xây dựng có rõ ràng hay không.
Mặt khác, một dự án quy mô lớn như xây dựng nhà ga T3 nếu lựa chọn nhà đầu tư không thông qua cạnh tranh liệu có mang lại hiệu quả đầu tư, bởi chỉ cần dự án thất thoát 1% thôi thì Nhà nước đã thiệt hại lớn rồi.
* Một chuyên gia hàng không: Chưa phải hết cơ hội cho tư nhân
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT để ACV đầu tư nhà ga T3 nhưng chưa phải là hết cơ hội cho tư nhân tham gia đầu tư, bởi thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng. Trước đó, một số doanh nghiệp như Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPP, Tập đoàn FLC, Hãng hàng không Vietjet Air đề nghị được tham gia đầu tư cùng ACV.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng bài toán hiệu quả gắn với an ninh, an toàn.
* Ông Lê Xuân Sang (phó viện trưởng Viện Kinh tế VN): Cần lưu tâm đúng mức bài toán lợi ích - chi phí
Để chọn được nhà thầu tin cậy, có hiệu quả trong dài hạn cho dự án này cần lưu tâm đúng mức bài toán lợi ích - chi phí đảm bảo các nguyên tắc dự án công là công khai - minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Đặc biệt phải phân tích kỹ các rủi ro có thể từ các nhà thầu cũng như đối với từng nhà thầu trong suốt quá trình chọn thầu, thi công và giám sát; bảo đảm chọn được các chuyên gia đánh giá và giám sát có chuyên môn thực sự và độc lập cũng như nhà thầu tin cậy, có năng lực. Vấn đề bảo đảm an ninh - an toàn quốc phòng cho hệ thống hạ tầng công trình, máy bay và hành khách trong quá trình xây dựng, vận hành cần được lưu tâm.
Vấn đề quan trọng nữa là trong khi cơ chế, quy định pháp lý hiện hành có liên quan chưa đầy đủ, thiếu hiệu quả, chưa đủ tinh vi đối với một dự án như vậy thì công tác chọn thầu, thực thi và giám sát, bảo đảm hiệu quả, an toàn trong dài hạn rất quan trọng.
* TS Hoàng Ngọc Giao (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển): Nên đấu thầu công khai, tạo sân chơi bình đẳng
Nếu ACV nói rằng có 25.000 tỉ tiền nhàn rồi, đó là vốn lớn nhưng chưa chắc là lợi thế bởi có thể có doanh nghiệp có nhiều tiền hơn. Chưa kể, hiện nay các sân bay được ACV quản lý đã tạo ra sự độc quyền như việc ra vào sân bay đều thu vé, thu phí hay mọi dịch vụ sân bay đều thu phí.
Trong khi chúng ta đang có chính sách chống lạm thu, lạm quyền, nên nếu đầu tư của Nhà nước lại giao cho tổng công ty cảng thì cần phải làm rõ vấn đề này.
Do đó, việc thực hiện đấu thầu phải trên cơ sở tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, công khai hợp đồng, điều kiện ràng buộc với nhà đầu tư, doanh nghiệp nào có năng lực thì bỏ tiền làm với các tiêu chí như năng lực, vốn, công nghệ...
Nguyên tắc là phải đảm bảo tính minh bạch, lựa chọn nhà thầu có năng lực, các điều khoản phải chặt chẽ như doanh nghiệp được khai thác bao nhiêu năm, những hạng mục nào...
Không thể hoàn thành trong 1-2 năm
Về việc một số nhà đầu tư đề xuất đầu tư xong nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trong vòng 1-2 năm, trong một trao đổi mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định nhà ga có công suất 20 triệu khách không thể thực hiện trong thời gian ngắn như thế.
Theo ông Thọ, thời gian qua nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng Bộ GTVT muốn chọn ACV làm nhà đầu tư nhà ga T3 vì hiện nay quy định pháp lý đang có sự phân chia khu bay. Đường băng, đường lăn, sân đỗ do Nhà nước đầu tư, còn nhà ga - nơi mang lại lợi nhuận lớn nhất - thì tư nhân được đầu tư.
Hiện ACV đang quản lý, khai thác sân bay Tân Sơn Nhất và đang là doanh nghiệp có vốn nhà nước 95,4%, muốn phát triển được thì cần phải khai thác đồng bộ cả khu bay lẫn nhà ga.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-4, một chuyên gia hàng không cho biết điều cần làm hiện nay là phải thống nhất chủ đầu tư dự án là ai.
Dù là ACV hay nhà đầu tư khác cũng phải đảm bảo đủ năng lực đầu tư để tiến độ thi công đúng hạn vì sân bay Tân Sơn Nhất đang "ngộp thở" cả trong lẫn ngoài.
Ngoài ra, phải đồng bộ từ đường lăn, sân đậu máy bay mới giảm tải được cho sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, cần đầu tư ngay đường lăn thoát nhanh để máy bay có thể vận hành khai thác tần suất tối đa. Nếu không có đường lăn, sân đỗ sẽ không hiệu quả khi có nhà ga mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận