15/01/2022 08:15 GMT+7

Nhiều phương án dạy học sau Tết

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Từ tháng 2-2022, nhiều trường ĐH cho sinh viên học trực tiếp tại trường kết hợp với học trực tuyến các học phần lý thuyết. Vì sao trường chưa cho sinh viên học trực tiếp hoàn toàn?

Nhiều phương án dạy học sau Tết - Ảnh 1.

Sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã đến trường học trực tiếp các học phần thực hành từ tháng 11-2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo thông báo từ nhiều trường ĐH, từ sau Tết Nguyên đán, các học phần thực hành sẽ học trực tiếp hoàn toàn tại trường. Các học phần lý thuyết vừa học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Một số trường quyết định cho sinh viên học trực tiếp hoàn toàn.

Đa dạng hình thức

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sinh viên sẽ học trực tiếp cho tất cả các loại học phần được mở trong học kỳ 2 năm học 2021-2022. Tuy nhiên, các học phần lý thuyết, tích hợp giảng viên có thể chủ động sử dụng tối đa 20 - 30% thời lượng giảng dạy của học phần để dạy trực tuyến. Các học phần thực tập, thí nghiệm, sinh viên học trực tiếp tại trường.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến các học phần lý thuyết. Ông Phan Hồng Hải - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết toàn bộ học phần thực hành sinh viên sẽ học tập trung tại trường. Đối với các học phần lý thuyết, có thể kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến hoặc trực tuyến hoàn toàn.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm cũng sẽ dạy trực tiếp toàn bộ học phần thực hành. Học phần lý thuyết sẽ kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, trong đó thời lượng dạy trực tuyến chiếm khoảng 30%.

Ông Nguyễn Thanh Trọng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết kết quả khảo sát của trường cho thấy hơn 85% sinh viên muốn được học trực tiếp. Do đó, trường kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến trong 4 tuần đầu sau Tết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết sau Tết toàn bộ sinh viên sẽ học trực tiếp tại trường. 

Theo ông Trung, hầu hết sinh viên trường đã tiêm 2 mũi vắc xin, chỉ còn chưa tới 10 sinh viên chưa tiêm mũi 2 nên trường quyết định dạy học tập trung. Tương tự, các trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Sư phạm TP.HCM cũng sẽ dạy học trực tiếp sau Tết.

Vừa dạy vừa "hóng" tình hình dịch bệnh

Lý giải việc tổ chức dạy song song trực tiếp và trực tuyến, ông Nguyễn Quốc Anh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cho biết chủ trương của trường là dạy học trực tiếp hoàn toàn. 

Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 ở nhiều địa phương còn khá phức tạp, một số sinh viên có thể mắc COVID-19 hoặc chưa thể đến trường học trực tiếp. Do đó, việc phát trực tiếp lớp học tập trung tại trường trên nền tảng trực tuyến là hình thức hỗ trợ để các bạn có thể học kịp tiến độ. Tuy nhiên, hình thức lớp học song song này chỉ thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn.

Trong khi đó, với nhiều trường, việc dạy kết hợp là cách để theo dõi diễn biến dịch bệnh trước khi quyết định phương thức tối ưu. 

Ông Nguyễn Thanh Trọng cho biết sau 4 tuần dạy kết hợp, tùy tình hình dịch bệnh trường sẽ có quyết định phương thức học cho thời gian tiếp theo. Nếu ổn sẽ dạy trực tiếp toàn bộ và không mong muốn phương án dạy học trực tuyến hoàn toàn như trước đây.

Lo ngại việc lây lan COVID-19 có thể làm gián đoạn việc dạy học trực tiếp cũng là lý do khiến Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chọn phương án dạy học kết hợp. 

Ông Nguyễn Trường Thịnh - phụ trách trường này - cho biết việc sử dụng 20 - 30% thời gian dạy học trực tuyến nhằm dự phòng cho tình huống lớp học có F0 hay giãn cách xã hội. Để đảm bảo khoảng cách, từ sau Tết cơ sở 2 của trường sẽ được đưa vào dạy học cho sinh viên chương trình chính quy, tăng gấp đôi số phòng học.

Chuẩn bị tình huống có sinh viên F0

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ dừng các lớp học trực tiếp nếu có sinh viên nhiễm COVID-19, chuyển sang hình thức học trực tuyến trong khoảng 10 - 14 ngày. Các lớp học khác vẫn tiếp tục học trực tiếp.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lớp học có F0 sẽ tạm ngừng học để vệ sinh khử khuẩn. Giảng viên và F1 (tiếp xúc gần dưới 2m với F0) lớp này được xét nghiệm nhanh.

F1 đã tiêm vắc xin đủ liều hoặc khỏi COVID-19 đi học và làm việc bình thường, được xét nghiệm lại sau 3, 7, 14 ngày. F1 chưa tiêm đầy đủ hoặc tiêm đủ liều vắc xin nhưng có bệnh nền thực hiện cách ly tại nhà.

Song song trực tiếp và trực tuyến

Một số trường như Kinh tế TP.HCM, Kinh tế - tài chính TP.HCM, Công nghệ TP.HCM tổ chức học song song hai lớp học trực tiếp và trực tuyến.

Sinh viên đủ điều kiện về y tế (đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng) và không bị cách ly theo quy định sẽ học trực tiếp.

Lớp học trực tiếp sẽ được phát trực tuyến cho những sinh viên chưa đủ điều kiện về y tế, đang bị cách ly hoặc ở các địa phương khác chưa thể di chuyển về trường.

ĐH Huế cho sinh viên học trực tiếp từ 21-2 ĐH Huế cho sinh viên học trực tiếp từ 21-2

TTO - ĐH Huế vừa có thông báo gửi các trường, khoa, phân hiệu trực thuộc về việc cho sinh viên trở lại trường học trực tiếp từ ngày 21-2.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên