Đại hội cổ đông thường niên ngày 29-6 của Vinaconex nóng với nhiều chất vấn liên quan đầu tư vào mảng bất động sản - Ảnh: TIẾN MẠNH
Tôn trọng nguyên tắc thị trường nhưng nhiều ý kiến cảnh báo nguy cơ mất những ngành nghề quan trọng sau hàng chục năm miệt mài gây dựng.
Cổ đông bức xúc
Tại đại hội cổ đông ngày 29-6 của Tổng công ty CP XNK và xây dựng VN (Vinaconex) vốn nhiều năm nay "nóng", bên cạnh các thắc mắc liên quan tới lợi ích của các cổ đông nhỏ lẻ, nhóm 2 cổ đông lớn là Cường Vũ và Star Invest đã có văn bản yêu cầu hội đồng quản trị và ban điều hành giải trình các vấn đề như lợi nhuận mảng kinh doanh cốt lõi đạt thấp, việc sử dụng tiền vay ngân hàng và bán các tài sản đang sinh lời để tài trợ cho các khoản rủi ro cao.
Cũng theo nhóm cổ đông này, mọi ý kiến góp ý, kiến nghị hay phản đối của nhóm cổ đông đều bị hội đồng quản trị và ban kiểm soát Vinaconex bác bỏ, chưa kể họ không được cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin về tình hình hoạt động của tổng công ty.
Trả lời, ông Đào Ngọc Thanh - chủ tịch hội đồng quản trị Vinaconex - cho rằng mọi quyền lợi của cổ đông sẽ làm theo đúng luật, "còn có những chuyện hôm nay không đồng ý điều này, mai không đồng ý điều kia là bình thường, kể cả các thành viên ở Liên Hiệp Quốc cũng vậy".
Khởi đầu là DN nổi bật ở lĩnh vực xây lắp, sau khi cổ phần hóa, trong báo cáo thường niên 2019, Vinaconex vẫn định hướng giai đoạn 2020 - 2025 giữ vững vị trí hàng đầu trong lĩnh vực thầu thi công xây dựng tại VN.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý 1-2020 của Vinaconex lại cho thấy xu hướng khác: Trong lúc doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm gần 40% so với cùng kỳ, bao gồm doanh thu hoạt động xây lắp giảm hơn 42,6%, thì doanh thu từ hoạt động tài chính đã tăng gấp 15 lần.
Báo cáo tài chính năm 2019 của Vinaconex cũng cho thấy lĩnh vực xây dựng có lợi nhuận gộp chỉ đạt vỏn vẹn 138 tỉ đồng, giảm một nửa, trong khi bất động sản doanh thu tăng 17% so với năm trước.
Không chỉ Vinaconex, nhiều DN khác sau cổ phần hóa cũng "xa dần" mảng kinh doanh chính. Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (LICOGI) với tên tuổi gắn với nhiều dự án quan trọng quốc gia như thủy điện Hòa Bình, Trị An, nhiệt điện Uông Bí, cảng hàng không quốc tế Nội Bài... cũng thấy rõ sự chuyển dịch. Sau khi cổ phần hóa, LICOGI liên tục thua lỗ.
Báo cáo tài chính hợp nhất 2019 thể hiện tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 11,4%, xuống 2.305 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu từ hợp đồng xây dựng giảm tới gần 20%. Trong khi đó, doanh thu kinh doanh bất động sản lại tăng hơn 10%. Kết thúc năm tài chính 2019, LICOGI có lợi nhuận sau thuế thu nhập DN âm 64 tỉ đồng.
Nguy cơ thiếu sản phẩm giá trị gia tăng
Trao đổi về tình trạng nhiều tổng công ty nhà nước thuộc bộ như Tổng công ty Sông Hồng hay Tổng công ty Coma kinh doanh bết bát và đánh mất ngành nghề kinh doanh chính, ông Đậu Minh Thanh - vụ trưởng Vụ Quản lý DN (Bộ Xây dựng) - cho rằng bộ chỉ quản lý phần vốn nhà nước tại các tổng công ty thông qua người đại diện phần vốn nhà nước. Việc lựa chọn kế hoạch kinh doanh, ngành nghề kinh doanh ngắn hạn, trung hạn và dài hạn sẽ do đại hội cổ đông, hội đồng quản trị, ban giám đốc tổng công ty quyết định.
Theo TS Đinh Thế Hiển, việc DN sau khi cổ phần hóa "nhảy" lên sàn chứng khoán có xu hướng "bỏ bê" mảng chính trước đó, lấn sân sang lĩnh vực khác, đặc biệt là sang bất động sản, khá phổ biến.
"Chúng ta có ít nhóm lãnh đạo như các công ty Âu, Mỹ theo đuổi xuyên suốt ngành nghề. Sau khi cổ phần hóa, nhiều DN không đi tới cùng mảng của mình mà nhảy sang ngành khác dễ làm hơn. Vì để theo tới cùng mảng cốt lõi trước đó, DN phải chi tiền nghiên cứu, quảng bá sản phẩm, cạnh tranh bằng chất lượng... Điều này khiến ngành sản xuất VN dần mất đi những sản phẩm có tính giá trị gia tăng, mà chỉ xuất khẩu dệt may (gia công), rau củ quả (xuất tươi). Việc VN thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là rất khó" - ông Hiển nói.
Tổng công ty Sông Đà cũng tăng thu từ bất động sản
Gắn liền với các công trình thủy điện, công nghiệp và giao thông trọng điểm của đất nước, năm 2018 Tổng công ty Sông Đà (SJG) chính thức cởi bỏ "chiếc áo" DN nhà nước.
Với nhiều ngành nghề kinh doanh chính, trong đó có bất động sản, báo cáo tài chính quý 1-2020 thể hiện lợi nhuận sau thuế của DN này âm 14,4 tỉ đồng. Doanh thu từ hoạt động xây dựng tiếp tục giảm, trong lúc mảng kinh doanh bất động sản lại tăng. Đáng lưu ý, Sông Đà cũng nhận được số tiền không nhỏ khi tăng thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Cổ đông bất an
Nhiều bất an của các cổ đông về định hướng kinh doanh đã lộ ra tại các đại hội cổ đông gần đây. Tại đại hội cổ đông Vinaconex ngày 29-6, nhiều chất vấn được đưa ra trước các quyết định đầu tư vào bất động sản. Như phương án hợp tác đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú tại Bắc Giang, Vinaconex góp vốn tới 869 tỉ đồng nhưng lại ủy quyền hoàn toàn cho Công ty TNHH Hòa Phú Invest (chủ đầu tư) được chủ động triển khai dự án, tổng công ty không tham gia quản lý, điều hành dự án.
Một vấn đề khác nhận được sự quan tâm từ cổ đông là dòng tiền thuần của Vinaconex âm tới 1.493 tỉ đồng trong năm 2019. Trả lời, chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh cũng chỉ cho hay: "Các anh biết rồi, mua cả một khu đất để làm khách sạn nghỉ dưỡng ở bãi biển thì phải trả tiền ngay. Ngoài ra còn một số dự án ở Quảng Ninh, Móng Cái..., dòng tiền âm có lý do. Nhưng đầu tiên tôi khẳng định là báo cáo hoàn toàn minh bạch. Nếu thấy không minh bạch thì gửi văn bản chứng minh không minh bạch hoặc cứ kiện ra tòa".
"Năm trước tôi còn được phát biểu, năm nay không được phát biểu, có 30 phút dành cho cổ đông phát biểu, ông chủ tịch một mình nói gần hết" - một cổ đông thốt lên về phiên thảo luận của đại hội cổ đông thường niên Vinaconex.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận