Theo các chuyên gia, việc đưa ra cơ chế DPPA phải gắn với việc sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành, đáp ứng yêu cầu phân cấp quản lý rõ ràng, minh bạch, hiệu quả.
Nhiều "ông lớn" muốn mua trực tiếp điện sạch
Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy đang có khoảng 20 doanh nghiệp lớn cũng mong muốn mua điện trực tiếp với tổng nhu cầu là gần 1.000 MW, trong đó nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tham gia cơ chế DPPA như Samsung, Nike...
Trong khi đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.
Dù giá cao nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc mua điện sạch trực tiếp giúp các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, cũng như các mục tiêu phát triển xanh phù hợp xu hướng của thế giới.
Đây cũng là cơ chế để thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giúp nhà sản xuất tiết giảm chi phí khi mua điện trực tiếp trên thị trường điện.
Ông Nguyễn Duy Vương, trưởng bộ phận đối ngoại Công ty Heineken Việt Nam, cho biết để hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững, đến năm 2025 sẽ sản xuất 100% sản phẩm bằng năng lượng tái tạo, cũng như không có rác thải chôn lấp, doanh nghiệp này mong muốn được mua điện sạch trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo để giảm chi phí.
"Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận năng lượng tái tạo, khi chúng tôi đang chờ cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA với các nhà cung cấp điện là năng lượng tái tạo, cũng như các quy định liên quan tới định mức chi phí tái chế nhằm triển khai việc thực thi trách nhiệm môi trường để mở rộng sản xuất" - ông Vương nói.
Cơ chế DPPA sẽ ban hành vào tháng 5?
Theo mô hình được Bộ Công Thương xây dựng, hoạt động mua bán điện trực tiếp được thực hiện theo các phương án là mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng và mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia.
Trong đó, các trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng sẽ áp dụng cho các khách hàng ở gần nguồn phát, giá điện được thỏa thuận giữa bên phát điện và người mua, đã được triển khai tại các khu công nghiệp.
Với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, việc mua bán điện sẽ thực hiện trên thị trường điện giao ngay. Khách hàng sẽ thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng các loại giá dịch vụ và các chi phí khác.
Tuy nhiên, để triển khai cơ chế này khả thi và hiệu quả, Bộ Công Thương cho rằng cần phải hoàn thiện một số quy định liên quan.
Trong đó, cần tính toán các loại giá điện phân phối, điều độ vận hành hệ thống, điều hành giao dịch thị trường điện. Vì vậy, bộ đã kiến nghị Chính phủ xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế DPPA để làm cơ sở triển khai thực hiện.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tại cuộc họp mới đây, Chính phủ thống nhất việc xây dựng nghị định về cơ chế DPPA theo trình tự thủ tục rút gọn nhằm mục tiêu đến tháng 5-2024 sẽ ban hành.
"Việc xây dựng quy định này phải gắn với việc sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành, phải đáp ứng yêu cầu phân cấp quản lý rõ ràng, minh bạch, hiệu quả với chính sách khuyến khích phù hợp, hiệu quả", một chuyên gia khuyến cáo.
Không để phát sinh cơ chế xin - cho
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, khi các bộ ngành tham gia xây dựng chính sách phải rà soát kỹ lưỡng các quy định của luật, các chủ trương liên quan, gắn với Luật Điện lực, Luật Giá nhằm đảm bảo chính sách không được sơ hở, bị lợi dụng.
Cụ thể, cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, nếu cần thiết sẽ phải giới hạn đối tượng được áp dụng.
Do chính sách DPPA nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nên Chính phủ yêu cầu nghiên cứu xây dựng chính sách có độ mở, theo cơ chế thị trường.
Trong đó quy định rõ trách nhiệm của bên mua, bên bán, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, xảy ra cơ chế xin - cho.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận