15/06/2015 06:05 GMT+7

Nhiều nước tiếp tục chạy đua vũ khí hạt nhân

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Bất chấp xu hướng giải trừ quân bị của thế giới, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn tiếp tục tăng thêm số đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ vũ khí của họ.

Lò phản ứng hạt nhân 5MWtại YongByon của Triều Tiên - Ảnh: Reuters
Lò phản ứng hạt nhân 5MWtại YongByon của Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Theo AFP, đó là thông tin từ báo cáo thường niên về giải trừ quân bị của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra hôm nay (15-6).

Cụ thể, từ năm 2010 đến 2015, số đầu đạn hạt nhân đã giảm từ 22.600 xuống 15.850, mức giảm lớn nhất ở hai nước Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, ngay khi đã giảm thì “các chương trình hiện đại hóa quân sự lâu dài trên quy mô lớn và tốn kém” ở hai quốc gia có nhiều vũ khí hạt nhân nhất thế giới này vẫn chiếm tới 90% tổng lượng vũ khí hạt nhân.

Nhà nghiên cứu Shannon Kile của SIPRI cho biết: “Bất chấp những quan tâm được khởi xướng trở lại gần đây của thế giới về việc ưu tiên giải trừ vũ khí hạt nhân, các chương trình hiện đại hóa (quân sự) vẫn đang diễn ra tại những quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân. Tình trạng này cho thấy trong một tương lai có thể thấy trước, không nước nào trong số họ muốn từ bỏ kho dự trữ vũ khí hạt nhân của mình”.

Còn với 3 nước khác được công nhận sở hữu vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 1968  là Trung Quốc (260 đầu đạn), Pháp (300 đầu đạn) và Anh (215 đầu đạn), báo cáo của SIPRI cho biết 3 nước này “hoặc đang phát triển hoặc đang vận hành các hệ thống vũ khí hạt nhân mới, hoặc tuyên bố ý định sẽ làm như vậy”.

Trung Quốc là nước duy nhất trong số 5 “ông lớn” hạt nhân của thế giới hiện có quy mô tăng trưởng hạt nhân “khiêm tốn nhất” theo đánh giá của SIPRI.

Trong khi đó các quốc gia có vũ khí hạt nhân còn lại là Ấn Độ (có 90 đến 100 đầu đạn), Pakistan (có 100 đến 120 đầu đạn) và Israel (có 80 đầu đạn) cũng đã có mức dự trữ vũ khí hạt nhân nhỏ hơn đáng kể.

Tuy nhiên Ấn Độ và Pakistan vẫn tiếp tục tăng thêm đầu đạn, trong khi đó Israel đã thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm xa.

Triều Tiên được cho là đang phát triển từ 6 đến 8 đầu đạn hạt nhân nhưng SIPRI cho rằng rất khó đánh giá về “tiến bộ công nghệ” của nước này.

Tuy nhiên cũng theo AFP, độ tin cậy trong thông tin về trữ lượng vũ khí hạt nhân của các nước rất khác nhau. Như ở châu Á chẳng hạn, Trung Quốc tiết lộ rất ít thông tin về họ, mà thường là do các nước đối thủ hạt nhân như Ấn Độ và Pakistan công bố.

Trong khi đó, nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Cộng hòa Hồi giáo Iran ngừng phát triển chương trình hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.

Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc bắn thử trước đây - Ảnh: Bssnews
Tên lửa Triều Tiên trong một cuộc bắn thử trước đây - Ảnh: Bssnews

Trong một diễn biến mới đây, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết ngày chủ nhật 14-6, Triều Tiên đã bắn thử 3 quả tên lửa chống hạm tầm ngắn ở bờ biển phía đông nước này.

Theo CNN, nguồn tin từ Hàn Quốc cho biết các tên lửa được bắn ra ngoài khơi ở thành phố miền đông Wonsan vào khoảng lúc 16g21 đến 1647 (giờ địa phương) ngày 14-6.

Đây là lần bắn thử tên lửa tiếp theo sau các lần diễn ra hồi tháng 2 và tháng 5. Quan chức quốc phòng Hàn Quốc nói: “Quân đội chúng tôi vẫn đang theo dõi rất sát các động thái phía Triều Tiên và sẵn sàng lực lượng ứng phó trước bất cứ hành vi khiêu khích nào”.

Theo trang web globalsecurity.org, tên lửa đất đối hạm KN-01 có tầm xa 120km. Nhiều năm trước, Triều Tiên đã thử nghiệm lần đầu các tên lửa loại này, ít nhất là căn cứ theo báo cáo của chính phủ Hàn Quốc.

Trang web An ninh Toàn cầu dẫn nguồn tin từ Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã tiến hành “10 cuộc bắn thử tên lửa chống hạm KN-01 trong thời gian từ tháng 2-2003 đến tháng 6-2007.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên