Phóng to |
Sữa Fonterra (New Zealand) đang gây lo lắng cho người tiêu dùng - Ảnh: Fonterramilk |
Theo Reuters, clostridium botulinum thường được tìm thấy trong đất. Trường hợp của Fonterra có thể xuất phát từ đường ống bẩn tại một nhà máy chế biến. New Zealand lập tức phát đi cảnh báo quốc tế về các sản phẩm sữa bột xuất khẩu.
Cảnh báo toàn cầu
Theo AFP, Chính phủ New Zealand nói chiết xuất whey protein bị nhiễm khuẩn hoặc các sản phẩm sử dụng thành phần này đã được xuất sang Úc, Trung Quốc, Malaysia, Saudi Arabia, Thái Lan và Việt Nam.
Fonterra, nhà sản xuất sản phẩm này hơn 1 năm trước, cho biết đã khuyến cáo 8 khách hàng ở những quốc gia kể trên tiến hành điều tra xem liệu có bất cứ sản phẩm nhiễm khuẩn nào trong chuỗi phân phối của họ hay không. Nếu cần thiết, các sản phẩm nhiễm khuẩn cần được thu hồi.
Fonterra là công ty sữa lớn thứ 4 của New Zealand với doanh thu hằng năm khoảng 16 tỉ USD. Tin tức về sữa bột nhiễm khuẩn là một cú sốc cho ngành công nghiệp sữa của New Zealand vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Nước này xuất khẩu khoảng 95% sản lượng sữa. |
Fonterra nói sản phẩm bị nhiễm khuẩn được sử dụng trong nhiều sản phẩm đồ uống, từ sữa bột cho trẻ em đến thức uống thể thao.
AFP cho biết đến nay vẫn chưa có trường hợp nào phát bệnh liên quan đến các sản phẩm có thành phần whey protein nhiễm khuẩn. Các triệu chứng của ngộ độc thịt bao gồm nôn mửa và tiêu chảy, theo sau đó là tê liệt và sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Bộ trưởng thương mại New Zealand Tom Groser nói các cơ quan, tổ chức y tế trên thế giới, trong đó có cả WHO, đã được cảnh báo về việc này. Fonterra nói việc sản phẩm nhiễm khuẩn tác động lên sức khỏe con người tùy thuộc độ tuổi và lượng sản phẩm mà họ đưa vào cơ thể.
Thu hồi và kiểm tra
Tại Thái Lan, Bangkok Post cho biết Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của nước này ra lệnh thu hồi khẩn cấp các sản phẩm của Fonterra nhập khẩu từ tháng 5 để kiểm tra. Các sản phẩm của Fonterra xuất hiện dưới nhiều nhãn hàng khác nhau ở Thái như Anmum, Anlene, Anchor/Fernleaf.
Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, Tổng cục Quản lý, kiểm tra và kiểm dịch chất lượng Trung Quốc (AQSIQ) đã thông báo danh sách 4 công ty của nước này nhập khẩu các sản phẩm sữa bột có thể bị nhiễm khuẩn của Fonterra. Bốn công ty này được nói đã thu hồi các sản phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn trong khi Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết Trung Quốc đã cấm nhập khẩu sữa bột từ New Zealand.
AQSIQ cũng phát đi cảnh báo về 3 lô hàng sản phẩm sữa hiệu Karicare do Công ty Nutricia của New Zealand sản xuất. Nutricia là công ty đầu tiên khởi xướng việc thu hồi các sản phẩm do lo ngại nguyên liệu mà Fonterra cung cấp có thể bị nhiễm khuẩn.
Theo Reuters, 90% trong số 1,9 tỉ USD sữa bột nhập khẩu của Trung Quốc hồi năm ngoái xuất phát từ New Zealand. Việc cấm nhập khẩu sữa bột từ New Zealand có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt các sản phẩm sữa ở Trung Quốc.
Các sản phẩm sữa ngoại được ưa chuộng ở Trung Quốc do tâm lý người tiêu dùng không tin tưởng sữa bột trong nước sau một loạt vụ bê bối về an toàn thực phẩm.
Tại Nga, chính quyền cũng cho ngưng nhập khẩu và lưu hành các sản phẩm của Fonterra.
Tại Malaysia, The Star cho hay Công ty Fonterra Malaysia phát đi thông báo xác nhận tất cả các sản phẩm sữa của họ, bao gồm các nhãn hiệu Anmum, Anlene và Anchor/Fernleaf, đều không bị nhiễm khuẩn gây ra chứng ngộ độc thịt và các sản phẩm này đều an toàn.
Trong khi đó, Bộ Y tế Malaysia xác định sản phẩm sữa Karicare của Nutricia cho trẻ từ 6 tháng tuổi là sản phẩm duy nhất “có khả năng nhiễm khuẩn gây ra chứng ngộ độc thịt”. Các sản phẩm Karicare nhập khẩu sẽ được tiến hành thu giữ và kiểm tra.
Còn tại Úc, Nutricia nói không cần thiết phải thu hồi các sản phẩm sữa nhãn hiệu Karicare. Theo kênh ABC, Nutricia nói một trong các lô hàng bị nghi ngờ nhiễm khuẩn được trữ tại Úc nhưng các kiểm nghiệm sau đó cho thấy lô hàng này âm tính với vi khuẩn gây ngộ độc thịt.
Nutricia cũng nói đã cho thu hồi hai loại sữa bột cho trẻ nhỏ là Karicare Infant Formula Stage 1 (cho trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi) và Karicare Gold+ Follow On Formula Stage 2 (từ 6 đến 12 tháng tuổi).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận