Phóng to |
Một tài xế vừa lái xe vừa nghe điện thoại di động ở Canada (theo luật nước này có thể bị xử phạt 120 đôla) - Ảnh: La Presse |
Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy nguyên nhân chính gây tai nạn là do người lái xe sao nhãng khi đang lái xe (tay rời khỏi vôlăng hoặc mắt không quan sát phía trước).
Việc vừa lái xe vừa nhìn màn hình điện thoại để nhắn tin hoặc một tay lái xe, một tay cầm điện thoại để nói chuyện dễ dẫn đến việc người lái xe mất tập trung và có thể gây tai nạn.
Tại Mỹ, thống kê gần nhất cho thấy có khoảng 10 bang và thủ đô Washington cấm cầm điện thoại và nói chuyện khi đang lái xe (trừ trường hợp khẩn cấp).
Tại châu Âu, một số nước cấm sử dụng điện thoại khi lái xe với mức phạt khoảng 60 euro. Tại Montréal (Canada), việc sử dụng điện thoại nhắn tin hoặc gửi email trong khi đang lái xe bị cấm từ năm 2008 với mức phạt khoảng 120 đôla Canada...
Tại Việt Nam, hiện nay pháp luật chỉ mới quy định việc xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển môtô, xe máy (kể cả xe máy điện), quy định cụ thể tại điểm h, khoản 1, nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều 9 của nghị định 34/2010/NĐ-CP. Mức phạt tiền cho vi phạm này là từ 60.000-80.000 đồng. Đối với người điều khiển ôtô, hiện chưa có quy định xử phạt.
Được biết, mới đây Bộ GTVT cũng hoàn tất dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nhằm thay thế nghị định 34/2010/NĐ-CP và 71/2012/NĐ-CP.
Theo dự thảo này, sẽ bổ sung việc xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi lái ôtô (hay các loại xe tương tự ôtô) với mức phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng.
Việc bổ sung quy định xử phạt người lái ôtô nghe điện thoại là cần thiết, cần sớm đưa vào áp dụng để giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông khi người lái xe sao nhãng hoặc sử dụng tay để cầm, bấm điện thoại.
Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng xử phạt cũng không nên cứng nhắc là xử phạt toàn bộ người lái xe nghe điện thoại. Có thể thực tế nếu việc sử dụng điện thoại trong các trường hợp khẩn cấp, không gây mất tập trung cho người lái xe thì không cần xử phạt.
Ví dụ, đối với một số dòng xe sản xuất tại Việt Nam hiện nay đã có tích hợp công nghệ điều khiển bằng giọng nói, kể cả điều khiển điện thoại (thông qua bluetooth), hoặc khi người lái xe sử dụng tai nghe, sử dụng chế độ thoại rảnh tay (handsfree) để đàm thoại thì người lái xe vẫn có thể tập trung quan sát đường và lái xe...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận