Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1-3-2021 cho biết số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới tăng lần đầu tiên sau 7 tuần - Ảnh: AFP
"Số ca nhiễm COVID-19 được báo cáo tăng lần đầu tiên sau 7 tuần. Các ca nhiễm được báo cáo tăng ở 4/6 khu vực của WHO: châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói hôm 1-3.
Ông Tedros thừa nhận việc tăng các ca bệnh mới là chuyện "đáng thất vọng nhưng không bất ngờ", đồng thời thúc giục các nước không nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19.
Theo WHO, một vài trong số những lý do khiến số ca bệnh tăng trở lại là chính phủ các nước đã nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, sự hoành hành của các biến thể dễ lây nhiễm hơn của virus corona và do mọi người mất cảnh giác với đại dịch này. Ông cam đoan WHO đang làm việc để hiểu rõ hơn về sự gia tăng ca nhiễm này.
"Vắc xin giúp cứu mạng, nhưng nếu các quốc gia chỉ dựa vào vắc xin thì họ đang mắc sai lầm" - ông Tedros nói.
Tổng giám đốc WHO khẳng định các biện pháp y tế công cộng cơ bản vẫn là nền tảng của chiến dịch phòng chống virus corona trên toàn thế giới.
Đối với các cơ quan y tế công cộng, các biện pháp này là xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly và chăm sóc y tế chất lượng. Còn đối với cá nhân, các biện pháp này là tránh tụ tập đông người, đảm bảo khoảng cách an toàn, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và thông thoáng nhà cửa.
Trong khi đó, ông Mike Ryan, giám đốc phụ trách chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết đại dịch COVID-19 đang được khống chế nhưng sẽ phi thực tế khi cho rằng thế giới sẽ vượt qua đại dịch vào cuối năm 2021.
Theo ông Ryan, nhận định lạc quan nhất lúc này là thế giới có thể khống chế đại dịch như giảm số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và ca tử vong. Tuy nhiên, do số ca bệnh bắt đầu tăng trở lại nên ông Ryan không nghĩ đại dịch có thể kết thúc vào cuối năm nay.
Đức mở cửa trường học trở lại từ giữa tháng 2-2021 - Ảnh: AFP
Đức, Mỹ tăng ca nhiễm trở lại
Tại Đức, số ca nhiễm COVID-19 bắt đầu tăng từ tuần vừa qua, một phần là do sự hoành hành của các biến thể dễ lây nhiễm hơn của virus corona, theo Hãng tin AFP.
Viện Robert Koch, trung tâm kiểm soát bệnh tật của Đức, ghi nhận hơn 7.600 ca mắc mới vào ngày 21-2, tăng hơn 1.500 ca so với tuần trước đó.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói Đức đang ở trong "giai đoạn thực sự khó khăn" của đại dịch và thừa nhận mọi người đã quá mệt mỏi sau 12 tháng chống dịch. Giới chức Đức cũng đang bàn thảo để đưa giáo viên vào nhóm ưu tiên tiêm chủng trong bối cảnh 10/16 bang nước này mở cửa trường học trở lại từ giữa tháng 2.
Mặt khác, Liên minh khoa học và giáo dục GEW của Đức chỉ trích các bang mở cửa lại trường học bất chấp sự lan rộng của các biến thể. "Họ đang để các giáo viên, học sinh và cha mẹ của chúng chịu rủi ro cao về sức khỏe" - chủ tịch GEW Marlis Tepe chỉ trích.
Tại Mỹ, với tốc độ tiêm chủng đạt hơn 50 triệu liều như hiện nay, các bang mong muốn mở cửa kinh doanh trở lại đang nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch, bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia y tế.
Bang Massachusetts ngày 1-3 nới lỏng các quy định về ăn tối trong nhà hàng và xem các buổi biểu diễn. Thống đốc bang Iowa gần đây dỡ bỏ các quy định về khẩu trang và giới hạn số người trong các quán bar và nhà hàng. Thành phố New York mới phải nối lại các hạn chế ăn uống trong nhà hàng.
Hãng tin AP cho biết các chuyên gia y tế Mỹ cảnh báo sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại nước này còn lâu mới kết thúc, và việc mở cửa lại quá nhanh có thể kéo dài cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bác sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, ngày 1-3 cảnh báo các quan chức bang và người dân Mỹ không được mất cảnh giác. Bà Walensky thừa nhận "thực sự lo lắng với các báo cáo về việc ngày càng có nhiều bang nới lỏng các biện pháp y tế công cộng mà chúng tôi khuyến cáo".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận