Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature hôm đầu tháng 10 cho biết giai đoạn 1985-2015, số lượng khu định cư - từ làng xóm nhỏ đến thành phố lớn - có nguy cơ lũ lụt cao nhất đã tăng 122%.
Đông Á - Thái Bình Dương nguy cơ cao nhất
Ông Paolo Avner, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Trong thời điểm con người cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia lại thực sự gia tăng nhanh chóng các khu định cư mới tại vùng bị ảnh hưởng lũ lụt”.
“Đây là một xu hướng đáng lo ngại, đặc biệt khi biến đổi khí hậu đang làm gia tăng thảm họa lũ lụt trên toàn thế giới”, ông nói với Đài CNN.
Các nhà nghiên cứu phân tích bộ dữ liệu về nguy cơ lũ lụt toàn cầu. Đồng thời nghiên cứu dữ liệu về khuynh hướng định cư hằng năm trong 3 thập kỷ từ 1985-2015 để tìm hiểu những nhóm dân cư bị ảnh hưởng nhiều nhất do nguy cơ lũ lụt.
Họ nhận thấy trong giai đoạn này, khi số lượng khu định cư trên thế giới tăng 85%, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hơn nhiều ở những vùng lũ lụt có nguy cơ cao.
Theo báo cáo, hơn 11% diện tích xây dựng trên toàn cầu đối mặt với nguy cơ lũ lụt cao hoặc rất cao (có nguy cơ ngập sâu ít nhất 50cm).
Mức độ các khu định cư bị ảnh hưởng lũ lụt cao nhất ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, thấp nhất ở Bắc Mỹ và châu Phi cận Sahara.
Các quốc gia có thu nhập trung bình cao có tỉ lệ người định cư mới lớn nhất lại nằm ở các vùng có nguy cơ lũ lụt cao nhất. Điển hình là Trung Quốc, quốc gia đã trải qua quá trình đô thị hóa rất nhanh và là nơi có gần một nửa số khu định cư mới được xây dựng ở nơi có nguy cơ lũ lụt cao từ năm 1985-2015.
Nhiều dự án phát triển mới ven biển Việt Nam "rơi vào vùng nguy hiểm"
Có nhiều lý do làm gia tăng số lượng công trình xây dựng trên đất dễ bị lũ lụt, nhưng khan hiếm đất là nguyên nhân chính.
Do những vùng đất an toàn hơn đã hết chỗ, người ta phải tìm nơi khác, thậm chí là các khu vực trước đây họ đã tránh.
Theo báo cáo, Việt Nam có khoảng 1/3 diện tích đất ven biển được xây dựng và các dự án phát triển mới đang bị rơi vào vùng đất nguy hiểm.
Lý do thứ hai là tiền. Đôi khi các cơ hội kinh tế được xem trọng hơn nguy cơ thảm họa được cho là "còn ở xa", chẳng hạn như đối với các thành phố cảng lớn, cộng đồng ven biển hoặc khu du lịch.
Các lý do khác bao gồm thiếu dữ liệu lũ lụt, quy hoạch đô thị kém hoặc quy định yếu kém.
Báo cáo khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách và lập kế hoạch nên đầu tư vào phòng chống thiên tai, hệ thống cảnh báo sớm và có kế hoạch sơ tán ở những nơi nguy cơ lũ lụt cao; cũng như xem lại kế hoạch sử dụng đất và quy chuẩn xây dựng ở những nơi có nguy cơ lũ lụt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận