15/09/2015 07:47 GMT+7

Nhiều nước châu Âu tăng kiểm soát biên giới

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Chính quyền Đức đã cho siết chặt kiểm soát biên giới với Áo từ ngày 13-9 để tránh quá tải người tị nạn đang đổ dồn về nước này.

Người di cư nằm nghỉ tại nhà ga ở Frankfurt (Đức) ngày 14-9 - Ảnh: Reuters
Người di cư nằm nghỉ tại nhà ga ở Frankfurt (Đức) ngày 14-9 - Ảnh: Reuters

Quyết định này đặt ra nhiều câu hỏi về tính “không biên giới” của châu Âu.

Động thái đưa ra sau khi các chính quyền địa phương của Đức than thở không thể tiếp nhận nổi hàng ngàn người tị nạn vào Đức mỗi ngày. Giờ đây, chỉ những công dân châu Âu và những người có giấy tờ hợp lệ mới được qua biên giới ở cửa ngõ Áo.

Theo lãnh đạo nội vụ Joachim Herrmann bang Bavaria, chính sách này có thể sẽ kéo dài vài tuần. Sau Áo, Đức cũng có thể siết chặt biên giới với Ba Lan và CH Czech. “Chúng tôi đã chạm đến giới hạn” - cảnh sát thành phố Munich cho biết.

“Đây là một bước cần thiết” - Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere biện hộ, cho biết mục đích là nhằm lập lại trật tự biên giới để đảm bảo an ninh.

“Vấn đề không chỉ là số lượng mà còn là tốc độ họ đổ về khiến tình hình khó kiểm soát” - Phó thủ tướng Sigmar Gabriel giải thích. Vậy mà chỉ vài ngày trước đó, Berlin còn mạnh miệng tuyên bố sẽ mở rộng cửa đón người tị nạn Syria.

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho rằng quyết định kiểm soát lại biên giới của Đức nhằm đáp ứng tình hình khẩn cấp là không vi phạm Hiệp ước Shengen, vì hiệp định có quy định các nước có quyền áp đặt trở lại việc kiểm soát biên giới nếu xảy ra tình hình khẩn cấp và sau khi tham vấn các bên.

Trên tờ Bild, Thủ tướng Hungary Viktor Orban hoan nghênh động thái của Đức trong việc bảo vệ “các nguyên tắc của châu Âu”.

Tuy nhiên, việc Đức khép cửa biên giới có thể gây hỗn loạn khi hàng chục ngàn người đang tìm cách vào nước này bằng mọi giá.

“Biện pháp này sẽ không lập trật tự mà chỉ gây thêm hỗn loạn và khiến tình hình của những người đang đứng ngồi phía bên kia biên giới trở nên tệ hơn” - Reuters dẫn lời lãnh đạo phe đối lập Greens trong nghị viện Katrin Goering-Eckhardt. Chưa kể việc này cũng có thể sẽ làm hạn chế đáng kể hoạt động của các tập đoàn kinh tế châu Âu.

Chỉ một giờ rưỡi sau khi Đức siết kiểm soát biên giới, Chính phủ Cộng hòa Czech cũng thông báo sẽ kiểm soát chặt hơn khu vực biên giới của nước này với Áo, quốc gia vừa tuyên bố cũng sẽ siết chặt thêm việc kiểm soát tại khu vực biên giới.

“Nếu Đức kiểm soát biên giới, Áo cũng sẽ siết chặt kiểm soát. Chúng tôi đang tiến hành” - Phó thủ tướng Áo Reinhold Mitterlehner nói, cho biết sẽ điều động quân đội đến biên giới để kiểm soát tình hình.

Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ ủng hộ quyết định của Đức, nói rằng điều này cho thấy các nước châu Âu cần phải ủng hộ kế hoạch phân chia “hạn ngạch” người tị nạn của EC.

Đến hết ngày 13-9 (giờ Brussels), các lãnh đạo châu Âu vẫn bế tắc về thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng khiến nó có nguy cơ bị hoãn đến cuộc họp bộ trưởng châu Âu đầu tháng sau.

Thủ tướng Áo Werner Faymann đề xuất việc bỏ phiếu theo hình thức đa số nếu các bên vẫn không đạt được thỏa thuận ngày 14-9, trong đó Áo và Đức sẽ cân nhắc trừng phạt các nước không chấp nhận chia sẻ gánh nặng người tị nạn.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên