Người Hi Lạp ăn mừng kết quả trưng cầu ý dân - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez khẳng định kết quả cuộc trưng cầu ý dân Hi Lạp “là chiến thắng vang dội của dân chủ và phẩm giá”.
“Người dân Hi Lạp nói không với những điều kiện bất khả thi và đáng xấu hổ. Người dân Argentina hiểu rõ điều đó” - bà Fernandez nói.
Bà kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu thấu hiểu thông điệp của người dân Hi Lạp.
“Họ không thể ép bất kỳ ai tự ký vào bản án tử hình của mình” - Tổng thống Argentina nhấn mạnh. Hồi năm 2002 Argentina cũng vỡ nợ 100 tỉ USD, khiến hàng triệu người lâm vào cảnh đói nghèo. Nhưng sau đó quốc gia Nam Mỹ đã gượng dậy.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình tuyên bố Bắc Kinh tin tưởng cuộc khủng hoảng nợ Hi Lạp sẽ được giải quyết. “Với nỗ lực của tất cả các bên, tình hình kinh tế Hi Lạp sẽ có sự chuyển biến. Cuộc khủng hoảng sẽ được xử lý rốt ráo” - ông Trình nói.
Từ Tây Ban Nha, chủ tịch đảng cánh tả Podemos Pablo Iglesias cũng ca ngợi: “Hôm nay dân chủ ở Hi Lạp đã chiến thắng”. Ông Iglesias là một đồng minh thân cận của Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras.
Nền kinh tế Tây Ban Nha hiện đang gặp nhiều khó khăn với mức nợ cao, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 23,78%, cao thứ nhì trong khối đồng euro chỉ sau Hi Lạp. Đảng Podemos đang vận động chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính phủ phải thực hiện.
Khi cuộc trưng cầu ý dân ở Hi Lạp diễn ra, hàng nghìn người dân Bồ Đào Nha đổ ra đường biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ dành cho người dân Hi Lạp vì “thể hiện lòng dũng cảm mà chúng tôi không có”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận