Tuy nhiên, nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp cho rằng các trang, kênh trong Whitelist cũng phải nỗ lực làm mới, hấp dẫn hơn để thu hút quảng cáo.
Các nhãn hàng tăng kiểm soát
Sau khi phát hiện thương hiệu xuất hiện trên quảng cáo trong một số video có nội dung bẩn, hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ Di Động Việt cho biết đã lập tức làm việc với đối tác Google (đơn vị phân phối quảng cáo trên nền tảng YouTube), vì những phân phối ngẫu nhiên đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhận diện thương hiệu.
"Chúng tôi cũng làm việc với đối tác chạy quảng cáo hiện tại về những hiện diện trên các video có nội dung bẩn. Vì theo cam kết hợp tác ngay từ đầu, chúng tôi đã yêu cầu rõ ràng về những xuất hiện quảng cáo trên không gian mạng, lành mạnh, đúng pháp luật", bà Phùng Phương, đại diện Di Động Việt, khẳng định.
Theo bà Phương, đơn vị này đã yêu cầu đối tác quảng cáo dùng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn triệt để những hiện diện của thương hiệu trên các kênh, video có nội dung bẩn, đảm bảo không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào về hiện diện thương hiệu này trên các quảng cáo không gian mạng.
Tương tự, Công ty bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) cũng cho biết đã thực hiện một số hành động như: loại trừ trực tiếp các kênh/video liên quan tới chính trị, phản động; yêu cầu Google cung cấp bộ từ khóa loại trừ, để quảng cáo không được phân phối vào nhóm nội dung độc hại. Loại trừ ở cấp độ tài khoản quảng cáo cao nhất.
Theo Công ty FRT, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Whitelist với những kênh truyền thông đã được rà soát và kiểm chứng là động thái cần thiết. "Chúng tôi có một bộ danh sách rõ ràng từ phía cơ quan nhà nước, thuận lợi cho việc xác định chiến lược truyền thông, quảng cáo trên các kênh truyền thông chính thống", đại diện đơn vị này nói.
Trang Whitelist phải hấp dẫn quảng cáo hơn
Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực quảng cáo, các trang, kênh trong danh sách Whitelist cũng phải chủ động thay đổi chính mình để thu hút thêm nhiều quảng cáo hơn.
Ông Nguyễn Quang Tuân, giám đốc Công ty truyền thông và quảng cáo Dòng Chảy Phương Nam, cho rằng các tờ báo, trang tin nên thúc đẩy đa phương tiện mạnh hơn trên các nền tảng mạng xã hội để cung cấp nguồn tin, bài viết tốt đến độc giả.
"Các mạng xã hội có hệ thống lớn, phân phối quảng cáo đa dạng. Công nghệ trí tuệ nhân tạo trên các nền tảng mạng xã hội là cánh tay đắc lực giúp các tờ báo, trang tin có nguồn thu nhập lớn từ nội dung tốt.
Nếu các tờ báo, trang tin làm tốt điều này, các kênh bẩn, nội dung nhảm nhí sẽ được bạn đọc loại dần khỏi các nền tảng, tạo một không gian tốt cho truyền thông đa phương tiện", ông Tuân phân tích.
Còn theo ông T. - giám đốc một mạng lưới quảng cáo tại TP.HCM, các công ty mạng lưới quảng cáo Adnetwork trong nước luôn gặp bất lợi khi phải làm việc trực tiếp với những tờ báo, trang tin trong Whitelist vì cơ chế, sự cứng nhắc và không ủng hộ Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số) trong nước, chậm tiếp thu những công nghệ quảng cáo mới khiến doanh thu quảng cáo của các tờ báo, trang tin sụt giảm.
"Trong khi nguồn tiền ấy đổ về các mạng xã hội và hệ thống phân phát quảng cáo của Google, dẫn đến một thực tế đáng buồn là doanh thu quảng cáo các trang Whitelist chỉ chiếm một phần nhỏ, không bằng một góc của các nền tảng big tech đang hoạt động ở Việt Nam", ông T. phân tích thẳng thắn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện sàn thương mại điện tử Shopee cam kết "nghiêm túc và nỗ lực tuân thủ các quy định của cơ quan chuyên trách về hoạt động quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến".
Shopee và các đối tác cung cấp dịch vụ quảng cáo sẽ tiến hành tham khảo và cân nhắc triển khai các hoạt động quảng cáo phù hợp trên các nền tảng được liệt kê.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đơn vị và nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo để ngăn chặn các nội dung vi phạm.
Bên cạnh đó, Shopee cũng chủ động thực hiện và kiểm soát các hoạt động quảng cáo định kỳ thông qua các hoạt động kiểm tra/xử lý kịp thời", đại diện sàn Shopee cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận