Ông Trịnh Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đại diện nhóm soạn thảo trình bày các nội dung mới trong dự thảo về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp - Ảnh: N.B.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến để lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tổ chức ngày 28-7, một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều là quy định mới về bảo trợ quốc tế.
Ông Trịnh Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), đại diện nhóm soạn thảo cho biết bảo trợ quốc tế trong hoạt động bán hàng đa cấp là việc một người tham gia bán hàng đa cấp ở Việt Nam giới thiệu, tuyển dụng, chỉ định một người ở quốc gia khác vào hệ thống tuyến dưới của mình. Tuy nhiên, thời gian qua, có hiện tượng lợi dụng hoạt động này để chuyển tiền ra nước ngoài, trục lợi bất chính.
Dự thảo quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam không được công nhận kết quả kinh doanh của mạng lưới tuyến dưới ở nước ngoài để tính thành tích và quyền lợi cho người bán hàng đa cấp Việt Nam. Ngoài ra, không cho phép người tham gia bán hàng đa cấp ở Việt Nam được bảo trợ bởi người tham gia bán hàng đa cấp ở nước ngoài.
Đại diện Amway cho rằng thay vì quy định như hiện tại, có thể xem xét sửa đổi theo hướng quy định doanh số từ hoạt động của tuyến dưới ở thị trường nước ngoài không vượt quá 50% doanh số yêu cầu để đạt được cấp bậc tương ứng tại Việt Nam. Đồng thời quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về hoạt động bảo trợ quốc tế đối với cả doanh nghiệp và nhà phân phối.
Theo TS Ngô Trí Long, đối với hoạt động bảo trợ từ Việt Nam ra nước ngoài, trọng tâm mà quy định mới nhắm tới là nhằm điều chỉnh, đảm bảo tính minh bạch của nguồn tiền vào Việt Nam, đồng thời giảm thiểu các thất thu về thuế từ hoạt động bảo trợ nước ngoài cho ngân sách nhà nước.
Để giải quyết quan ngại về thuế, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung các hạn chế, ví dụ không cho phép doanh nghiệp Việt Nam chi trả cho người bảo trợ ở nước ngoài bất kỳ khoản lợi ích kinh tế nào phát sinh từ doanh số của mạng lưới tuyến dưới ở Việt Nam.
Ngoài ra, cần có các quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc với các hành vi kinh doanh đa cấp trước khi được cấp phép kinh doanh đa cấp để đảm bảo sự minh bạch cho hoạt động kinh doanh đa cấp.
Trong giai đoạn 2015-2020, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam có xu hướng giảm mạnh, từ 67 doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2015 xuống chỉ còn 22 doanh nghiệp vào cuối năm 2020.
Tuy số lượng doanh nghiệp giảm nhưng doanh thu của ngành lại có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu của ngành đã tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn đạt 16%, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới (năm 2019).
Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp mỗi năm ở mức trung bình 800.000 người, năm 2018 ghi nhận số lượng người tham gia cao nhất ở mức gần 1,25 triệu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận