15/07/2018 11:41 GMT+7

Nhiều nguyện vọng, cũng nhiều âu lo

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Với cơ hội rộng mở được đăng kí nhiều nguyện vọng, điều chỉnh và bổ sung số lượng nguyện vọng sau khi có điểm thi, nhiều bậc phụ huynh và thí sinh lại thêm băn khoăn, lo lắng khi ưu tiên ngành nào, trường nào trước.

Bà NguyễnThị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT, phát biểu tại buổi khai mạc tư vấn tuyển sinh - Video: Dương Liễu - Nguyễn Hiền 

Và đây cũng là điều được hỏi nhiều tại Ngày hội xét tuyển tại Hà Nội trong phiên tư vấn vào sáng ngày 15-7.

Nhiều nguyện vọng nhưng đừng chọn nhiều ngành

Em chỉ đăng kí 5 nguyện vọng nhưng thấy có bạn đăng kí đến 20 nguyện vọng. Em thấy lo, liệu đăng kí ít quá thì cơ hội đỗ đại học có ít không?- Câu hỏi của một thí sinh nhưng cũng là suy nghĩ của nhiều thí sinh, nhiều bậc phụ huynh trong tình huống Bộ GD-ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng xét tuyển.

Đây là kinh nghiệm của PGS-TS Phạm Mạnh Hà (ĐH Giáo dục) khi đã trải nghiệm qua một thời gian dài tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông muốn gửi đến các bậc phụ huynh và thí sinh.

"Nếu chỉ cố để có cơ hội đỗ, các bạn đăng kí nhiều nguyện vọng, mỗi nguyện vọng vào một nganh khác nhau thì định hướng nghề nghiệp của các bạn sẽ phân tán. Có thể các bạn sẽ trúng tuyển vào một ngành nào đó nhưng lại không chọn được nghề phù hợp và sớm muộn sẽ thất vọng. Vì thế, trước hết hãy chọn một ngành, nhóm ngành phù hợp với mình và đăng kí nhiều nguyện vọng vào nhóm ngành đó. Các bạn vẫn có thể có nhiều có hội nhưng chắc chắn sẽ chọn được nghề mình mong muốn" - thầy Phạm Mạnh Hà tư vấn.

Thí sinh đến ngày hội với nhiều thắc mắc, mong được giải đáp - Video: Dương Liễu - Nguyễn Hiền

Trước nhiều câu hỏi "đăng kí nguyện vọng như thế nào để có cơ hội đỗ cao", ThS Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Vụ GD Đại học, Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng. Nhưng thí sinh cần để thứ tự các nguyện vọng theo cách xếp các ngành yêu thích lên trước. Vì việc xét tuyển sẽ tự động xét từ trên xuống dưới theo thứ tự nguyện vọng. Nếu trúng tuyển ở nguyện vọng nào thì thí sinh sẽ phải dừng ở nguyện vọng đó, không có quyền xét tuyển các nguyện vọng tiếp theo.

"Hoặc là các bạn chọn trường và đăng kí nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường. Hoặc các bạn chọn ngành yêu thích, phù hợp và đăng kí nguyện vọng vào ngành đó của nhiều trường khác nhau" - TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Tài chính tư vấn.

Nhiều nguyện vọng, cũng nhiều âu lo - Ảnh 3.

Các thầy cô trong ban tư vấn khối ngành Khoa học tự nhiên, Công nghệ - Kỹ thuật, Y dược và Nông lâm - Ảnh: NAM TRẦN

Điểm sàn thấp, có ảnh hưởng đến đầu vào và chất lượng đầu ra?

Đây lại là một băn khoăn khác của một số phụ huynh và thí sinh khi ngập ngừng với nguyện vọng vào các trường có "điểm xét tuyển" thấp.

Trước băn khoăn này, ThS Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng ban Công tác chính trị và công tác sinh viên Học viện Nông nghiệp VN, giải thích: ngưỡng điểm sàn học viện công bố mới chỉ là ngưỡng nhận hồ sơ, còn việc xét tuyển vẫn theo nguyên tắc xét từ điểm cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Thầy Thắng khẳng định: "Nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của đất nước". Bởi lẽ, điều kiện khí hậu của VN rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đồng thời lực lượng lao động đông đảo nhất của đất nước cũng đang tập trung ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và điều kiện Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chúng ta vẫn chưa thực sự bứt phá ở mảng này, chưa tận dụng hết được nhiều thế mạnh của chính mình.

Trong khi đó, nhiều nước phát triển như Nhật Bản đang di chuyển sang VN để phát triển nông nghiệp công nghệ cao , dựa trên việc tận dụng lợi thế khí hậu của đất nước VN để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Nhiều nguyện vọng, cũng nhiều âu lo - Ảnh 4.

Đông đảo phụ huynh và thí sinh đến với ngày hội để được nghe thông tin mới nhất và tư vấn xét tuyển - Ảnh: NAM TRẦN

"Điều quan trọng để phát triển nông nghiệp chính là ở nguồn nhân lực. Vì vậy, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đang được học viện đặt ra hàng đầu. Học viện đang đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, cơ cấu lại các nhóm ngành đào tạo để người học phát triển hết năng lực, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng 4.0 để phát triển nông nghiệp, nông thôn" - ông Thắng nói.

"Học viện Nông nghiệp VN có chủ trương thu hút học sinh học giỏi, học sinh từ các vùng nông thôn đến học để sau này khi ra trường các em áp dụng những kiến thức được học để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát huy thế mạnh ngành nông nghiệp của đất nước, "tạo thành thung lũng silicon về nông nghiệp tại VN" - ThS Nguyễn Tất Thắng chia sẻ về cơ hội mà theo ông các bậc phụ huynh và thí sinh nên quan tâm hơn là lo lắng về "điểm xét tuyển thấp".

Nhiều nguyện vọng, cũng nhiều âu lo - Ảnh 5.

Nhiều gian hàng của các trường. ngay từ sớm đã rất đông học sinh, phụ huynh tới bang tư vấn - Ảnh: NAM TRẦN

Công an, quân đội vẫn nhiều băn khoăn

Khối trường công an, quân đội vẫn luôn là sự quan tâm của khá nhiều thí sinh tại phiên tư vấn sáng 15-7 tại Ngày hội xét tuyển ở Hà Nội. 

Đa số các câu hỏi đều muốn biết với mức điểm các thí sinh đang có thì khả năng đỗ là thế nào? Năm trước nhiều trường khối công an, quân đội có điểm chuẩn rất cao, thậm chí gần như điểm tuyệt đối trong các tổ hợp. Năm nay điểm chuẩn có giảm không?

"Điểm chuẩn vào các trường khối Công an cũng có thể giảm so với năm trước, nhưng sẽ tùy từng tổ hợp"- Đây là thông tin do đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Thư kí tuyển sinh Cục Đào tạo, Bộ Công an, khiến nhiều thí sinh quan tâm tới nhóm ngành này tăng thêm hy vọng. Mặc dù chỉ tiêu mà thầy Tuấn thông tin ít hơn rất nhiều so với số thí sinh đã đăng kí nguyện vọng vào khối trường này.

Chia sẻ tại phiên tư vấn, đại tá Vũ Xuân Tiến, Trưởng ban thư kí, Ban tuyển sinh Quân sự, Bộ Quốc phòng, đặc biệt lưu ý đối với các bạn thí sinh đã có nguyện vọng đăng kí vào các trường khối quân đội rằng những thí sinh muốn đăng kí dự tuyển vào các trường quân đội phải qua sơ tuyển thì mới đủ điều kiện xét tuyển. 

"Hiện nay đang có nhiều thí sinh đăng kí nguyện vọng vào các trường quân đội nhưng lại không qua sơ tuyển. Với những em tới thời điểm này không qua sơ tuyển thì nên điều chỉnh nguyện vọng sang các trường khác, vì các em không đủ điều kiện để tuyển sinh vào khối trường quân đội" - đại tá Vũ Xuân Tiến trao đổi.

Nhiều nguyện vọng, cũng nhiều âu lo - Ảnh 6.

Gian tư vấn xét tuyển trường ĐH Bách Khoa luôn nhận được sự quan tâm của các thí sinh - Ảnh: CHÍ TUỆ

Chọn nghề - chọn trường

Dù đã đăng ký nguyện vọng đại học, sắp tới chỉ phải điều chỉnh lại nguyện vọng cho phù hợp, nhưng đến thời điểm này nhiều thí sinh vẫn hoang mang trong chọn nghề. Chọn theo đam mê hay chọn theo xu hướng? Chọn căn cứ vào điểm thi để bằng mọi giá trúng tuyển hay phải cân nhắc kỹ lưỡng cơ hội việc làm? Chọn nghề yêu thích hay chỉ cần chọn trường nổi danh?

Trước băn khoăn này, các thầy cô tư vấn đều chia sẻ thí sinh cần định hướng "chọn nghề trước khi chọn trường".

Một thí sinh đạt 24 điểm nhưng vẫn tự nhận mình "mất phương hướng" trong lựa chọn ngành nghề đề nghị được các thầy cô tư vấn cụ thể. "Ông bà em làm nông dân, bố mẹ em làm công nhân. Em được 24 điểm, vậy em nên học và làm nghề gì?".

PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN- cho rằng thí sinh phải thực sự cân nhắc trước khi chọn ngành học. Bởi lẽ thực tế, ngay cả ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, có những ngành điểm chuẩn cao, thí sinh cũng đạt điểm rất cao để trúng tuyển, nhưng hoá ra chỉ chọn ngành theo phong trào, đến khi vào học rồi mới nhận ra mình không thích ngành học đó. Trong bối cảnh hiện nay, thí sinh cần xác định có thể học hoặc không học đại học, cao đẳng vẫn có thể lập nghiệp. Song, nếu được học, được đào tạo bài bản thì cơ hội sẽ lớn hơn. 

"Đã có nhiều bạn học sinh, sinh viên nói Bill Gates và một số tỷ phú Mỹ không học đại học vẫn thành công vang dội. Nhưng các em có tự hỏi có bao nhiêu người không học đại học mà thành công như Bill Gates không? Chắc chắn số lượng đó không nhiều" - ông Tớp nhấn mạnh.

Trong khi đó, trước trường hợp thí sinh đạt 24 điểm mà còn phân vân chọn ngành nghề, TS Đồng Văn Ngọc- Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội - cho biết thí sinh này nếu có nguyện vọng học các ngành đào tạo kỹ thuật tại Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, trường sẽ miễn toàn bộ học phí.

"Hệ thống các trường Cao đẳng luôn rộng cửa chào đón các bạn sĩ tử" - ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GD nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội chia sẻ - Video: Dương Liễu - Nguyễn Hiền 

Lo lắng về xếp ưu tiên nguyện vọng

ThS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ GD Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết mặc dù quy chế năm nay không thay đổi so với năm 2017 nhưng không hiểu sao có rất nhiều câu hỏi tương tự đã gửi về Bộ GD-ĐT liên quan tới việc có không sự bình đẳng giữa các nguyện vọng. Trong các phiên tư vấn ở Ngày hội xét tuyển tại Hà Nội cũng có nhiều các câu hỏi liên quan tới việc này.

"Việc xét tuyển với tất cả các nguyện vọng đều bình đẳng như nhau. Các trường sẽ xét tuyển theo điểm số từ trên xuống không phân biện là nguyện vọng nào. Chỉ có những thí sinh ở cuối danh sách tương ứng với số chỉ tiêu tuyển sinh, nếu thí sinh bằng điểm nhau thì các trường sẽ vận dụng tiêu chí phụ để chọn thí sinh trúng tuyển", thầy Hùng cho biết.

Nhiều nguyện vọng, cũng nhiều âu lo - Ảnh 9.

Tổ tư vấn các nhóm ngành khoa học xã hội, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, sư phạm, báo chí, công an, quân đội tư vấn xét tuyển cho các thí sinh - Ảnh : CHÍ TUỆ

Nhiều nguyện vọng, cũng nhiều âu lo - Ảnh 10.

Thí sinh đặt câu hỏi cho tổ tư vấn các nhóm ngành khoa học xã hội, quản trị kinh doanh, sư phạm, báo chí... - Ảnh : CHÍ TUỆ

Nhiều nguyện vọng, cũng nhiều âu lo - Ảnh 11.

Bạn trẻ phấn khởi đến với ngày hội - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều nguyện vọng, cũng nhiều âu lo - Ảnh 12.
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên