02/08/2023 13:33 GMT+7

Nhiều người Việt ồn ào - Kỳ 5: Được mời tiệc mà sợ điếc tai

Đi dự đám tiệc nhưng không có cơ hội trò chuyện, nếu có chỉ là tranh thủ tiệc chưa bắt đầu. Còn khi đã ồn ào tiệc tùng thì hét vào tai nhau chưa chắc đã nghe được.

Thời nay, sự ồn ào của nhiều người khi tụ họp còn được tăng cấp độ bởi karaoke loa kẹo kéo  - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thời nay, sự ồn ào của nhiều người khi tụ họp còn được tăng cấp độ bởi karaoke loa kẹo kéo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Anh Hoài Ân (34 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) vừa dự đám cưới một người bạn hồi cuối tuần trước, ngán ngẩm thốt lên: "Đi đám cưới là dịp để gặp bè bạn hàn huyên, nhưng toàn nhạc sống ầm ĩ muốn bể tai, hết cách chuyện trò, đành phải ăn vội vàng rồi về cho xong".

Phải ồn ào, tiệc tùng mới vui

Hầu hết đám cưới đều linh đình, vui vẻ với nhiều hoạt động như MC giao lưu với gia đình nhà trai, nhà gái, chúc tụng nhau, hát hò. Nhưng nhiều đám có phần hát hò như "thách thức" sức chịu đựng của thực khách với dàn loa mở hết công suất, nhiều người hát dở và say xỉn cũng lên như... hét với nhau.

Đặc biệt nhiều đám cưới ở quê hầu như hát hò thâu đêm suốt sáng, gây ồn ào, ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh.

"Bầu" Mạnh, một chủ dàn âm thanh ở chợ Vàm Xáng (huyện Châu Phú, An Giang), tâm sự về nỗi khổ người trong cuộc: "Mở nhạc nhỏ vừa phải, chủ nhà đâu có chịu. Thường hơn 7h tối mới bắt đầu phục vụ văn nghệ, vậy mà mới 3h chiều đã phải chở âm thanh tới rồi mở nhạc ầm lên, người ta trả tiền mà".

Bổi tối thường là 23h mới nghỉ, nhưng các đám trong quê bao giờ phần hai của chương trình cũng là phần ca cổ tài tử. Hứng chí, họ cứ thản nhiên hò hét tới 1, 2 giờ sáng là chuyện thường tình.

Với những đám tiệc đãi ở nhà hàng thì chuyện ồn ào càng đáng sợ hơn khi thực khách bị "nhốt" trong những phòng tiệc kín mít cùng hệ thống âm thanh chát chúa. Điều đáng nói là càng về cuối các bữa tiệc, tiếng ồn ngày càng trở nên tạp nham với những tiếng "1... 2... 3... dô..." và các tiết mục mà hò hét là chính.

Nếu ai có điều gì muốn nói, phải la to hoặc kề miệng sát tai nhau. Để rồi người tham dự đám tiệc ngày nay buộc lòng phải tham gia đám ồn ào đó.

Nhiều người Việt ý thức lịch sự, không làm ảnh hưởng người khác, nhưng không ít người cứ tụ họp lại là lớn giọng ồn ào, bất kể người xung quanh khó chịu - Ảnh: YẾN TRINH

Nhiều người Việt ý thức lịch sự, không làm ảnh hưởng người khác, nhưng không ít người cứ tụ họp lại là lớn giọng ồn ào, bất kể người xung quanh khó chịu - Ảnh: YẾN TRINH

Đám tang như hội chợ - lô tô

"Xin đại diện cho gia đình chân thành cảm ơn quý vị đã dành chút thời gian đến chia buồn vì sự ra đi của cụ bà. Tỏ lòng tưởng nhớ người đã khuất, chúng ta hãy bằng lời ca tiếng hát, góp vui cho chương trình văn nghệ hôm nay. Xin một tràng pháo tay của quý vị", MC dứt lời, tiếng vỗ tay vang lên giòn giã giữa đám tang mới đây trong khu dân cư mà gia đình chị Hồng Thắm (28 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) đang sống.

Nghe tiếng nhạc từ xa, nhiều người nghĩ đó là một cái hội chợ - lô tô kiểu ngày xưa mà không biết đó là đám tang buồn.

Do đợi con cháu ở xa chưa về kịp chưa nên đám tang kéo dài 5 ngày. Đêm nào người dân ở đây cũng chịu tra tấn lỗ tai đến quá nửa khuya. Nhất là đêm cuối, tận 3h sáng người dân xung quanh không thể nào chợp mắt bởi màn biểu diễn ảo thuật, tiếng hò hét cụng ly, tiếng reo hò cổ vũ cho màn biểu diễn của những "nghệ sĩ nhân dân".

Đến 5h sáng, thì lại rộn ràng chiên, trống khi họ diễn trích đoạn tuồng có nội dung là người con ra chiến trận, cha già ở nhà qua đời nên gấp rút chạy về gặp cha lần cuối trước lúc động quan.

Chẳng biết người mất có nghe và thấu được lòng thành của con cái hay không, chỉ khổ cho những người sống cạnh đám tang. Ai cũng mệt mỏi vì không thể chợp mắt, mong cái đám "hội chợ" kia mau hạ màn.

Chị Thắm nói: "Mỗi lần trong khu phố có đám tang, tôi và nhiều nhà hàng xóm chỉ biết khóc thầm. Họ hát hò bất kể giờ giấc, khi thì giữa trưa nắng, khi nửa đêm vẫn chưa dừng. Những ca từ nhảm nhí từ các bản nhạc chế, xen lẫn là tiếng vỗ tay, cạn ly thích thú của khách viếng và cả gia chủ khi thấy ca sĩ nhảy sung hơn".

Khổ nỗi đó không hề là chuyện cá biệt, bởi cứ hết đám này lại tới đám khác theo hướng càng kéo dài, hoành tráng mà cũng ồn ào hơn. Nhiều nơi thân nhân người quá cố còn thuê người biểu diễn thêm các tiết mục xiếc như múa lửa, phóng dao, dùng đầu đội cao chiếc xe gắn máy... giống y như chương trình tạp kỹ.

Cũng có đám tang gia đình còn mời cả đội lân, hoặc ê kíp tái hiện chuyện thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh, và có nơi còn thuê cả người chuyển giới mặc bikini đến ưỡn ẹo. Người người chen nhau livestream, chụp ảnh đăng Facebook, tiếng cười nói, hò hét ầm ĩ.

Làng quê ngày càng ồn ào

Ngày trước làng quê hay gắn với khung cảnh yên bình, nhẹ nhàng nhưng thời nay nhiều nơi đã thay đổi. Chuyện đám cưới, đám tang ồn ào, náo nhiệt không còn là chuyện lạ.

Ngay cả những đám tiệc vui nho nhỏ như mừng con vào đại học, rồi thôi nôi, sinh nhật, mừng bán được giá vụ chanh ớt, mùa trúng lúa, rồi bạn bè rảnh rỗi, tụ họp một bàn nhậu cũng đủ... inh ỏi lỗ tai làng trên xóm dưới. Đến nỗi nhiều khi phải tự hỏi đa phần dân mình nhỏ con mà không hiểu sao cái miệng lại bự được đến thế.

Chúng tôi từng được mời dự một bữa tiệc ăn mừng chanh ớt đúng nghĩa đen. Số là bạn của một người bạn tôi ở Củ Chi trồng vụ chanh ớt may mắn trúng mùa trúng giá. Thế là ông ta ăn mừng và tôi được "ké" về chơi đồng quê.

Ôi thôi, chỉ có ba bàn tiệc với tầm gần 30 người mà nhiều lúc tôi bị... phun nước miếng vào tai bởi anh bạn nông dân mới sơ giao mà cứ thích tán chuyện thời sự thế giới. Đàn bà, đàn ông ai cũng nói lớn, nên người ta càng phải ráng nói lớn hơn để người khác còn nghe được mình.

Anh bạn ngồi bên muốn chúng tôi nghe rõ, cứ áp miệng vào gần tai để nói mà như hét. Lúc đầu còn đỡ, khi đã ngà say, nước miếng của anh ta bắt đầu bắn vào tai người khác. Bỏ về thì ngại, mà ngồi lại thì quá ngán ngẩm.

Tuy nhiên, "kinh hoàng" hơn nữa là ban đầu chủ nhà còn mở loa kẹo kéo của gia đình để biểu diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Lát sau chừng cái loa bự bằng nửa cái tủ lạnh 250 lít vẫn chưa cho âm thanh đủ "bay nóc", ông ta móc điện thoại gọi thuê cả dàn loa 4 cái khổng lồ chất kín trên chiếc xe lôi.

Họ cũng không cần dỡ các loa xuống, mà cứ quay đít xe để chĩa dàn loa vào thẳng mấy bàn nhậu. Rồi hết hò hét bài Sầu lẻ bóng, Thành phố buồn, Tình bơ vơ, lại đến Tình anh bán chiếu, Dạ cổ hoài lang...

Ngán ngẩm nhất là một giọng ca nghe được được thì phải có ba giọng ca dở, lạc nhịp tùm lum. Ban đầu họ còn hát, về sau thì hét khi đã ngấm rượu, rồi mượn luôn âm thanh loa khổng lồ để mời nhau lên hát, kể cả chế giễu nhau và tán dóc, chửi thề cho vui. Người cầm loa thì hét, miệng người ngồi dưới cũng ầm ầm...

Không chỉ thành phố có chuyện ồn ào, mà đi chục đám tiệc quê thì muốn điếc lỗ tai ít nhất tại cũng cỡ 7, 8 tiệc và không ít người dự luôn muốn tìm cách về sớm cho lành cái lỗ tai mình.

Ý kiến bạn đọc

* Tôi còn thấy nhiều cảnh làm ồn như vỡ chợ của người mình ở nước ngoài, rồi cả xả rác, đùa giỡn và tranh nhau chụp ảnh quay phim. Do ý thức chưa cao, ngoài đường mà như ở nhà.

(Zenny)

* Nên có những bài báo thế này. Tác giả viết thế là còn nhẹ đô. Gia đình tôi hay đi du lịch mấy nước, thấy tình trạng người mình bất lịch sự còn hơn vậy nữa. Người mình vui vẻ hoạt bát nhưng hay làm ồn lắm.

(Già chuyện)

* Do phép tắc trong nước yếu nên vậy, chứ ra Singapore, Hàn, Nhật mấy ai dám phạm quy, cứ lạng quạng phạm luật xem.

(Yuan Parker)

**************

"Ở khía cạnh nào đó, tôi thấy người Việt dễ gần và thân thiện. Tôi dễ dàng bắt chuyện với họ". Người nước ngoài nhận xét nhiều chiều về sự ồn ào của dân ta.

>> Kỳ tới: Người Việt thân thiện nhưng hơi ồn ào

Nhiều người Việt ồn ào, không bao giờ thấy sai, thích làm ầm lên để... giành mình đúng?Nhiều người Việt ồn ào, không bao giờ thấy sai, thích làm ầm lên để... giành mình đúng?

Bên cạnh nhiều phẩm chất tốt đẹp, không ít người Việt hiện nay có thói quen ăn nói ồn ào như một mình một chợ, nhất là ở nơi công cộng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên