Vô tình họ cũng bị "lạc đạn", bị cái nhìn không mấy thiện cảm của người nước bạn.
Ríu rít, ồn ào mặc kệ người khác
Do tính chất công việc và thích khám phá đó đây, bà Lê Dân Nam (doanh nhân về hưu, ngụ quận 4) đã đi nhiều nơi. Theo bà, người Việt đi du lịch nhìn chung có cách cư xử lịch sự và tôn trọng địa phương nơi đến, nhưng cũng có một số hành vi chưa được đẹp.
Bà nhẹ nhàng kể: "Vừa rồi tôi đi Bali (Indonesia) theo tuyến trải nghiệm nên du khách Việt đa số là các bạn trẻ. Họ lịch sự, hiểu biết, giúp đỡ nhau nơi sân bay về mặt thủ tục như khai báo hải quan điện tử". Tuy nhiên, theo bà, cũng có một số ít du khách khá ồn ào, giỡn hớt, đặc biệt là tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi xếp hàng chụp hình check-in những địa điểm nổi tiếng.
Bà thấy họ khác với du khách nước ngoài ở chỗ dường như thiếu bình tĩnh nếu chưa chụp được tấm ảnh thật như ý. Họ sẽ chụp lại rất nhiều ảnh mặc cho hàng dài phía sau chờ đợi. Và có lẽ người Việt mê chụp ảnh nên bà thấy họ hay í ới gọi nhau ầm ĩ để chụp ảnh, nhìn cũng vui mắt nhưng cũng thật mệt lỗ tai...
Còn với chị Nam Hà (30 tuổi, du học sinh tại Tokyo, Nhật Bản) cũng từng biết một số vụ người Việt cư xử chưa được đẹp trong thời gian học tập tại đây. Riêng những trường hợp ăn to nói lớn nơi công cộng, không xếp hàng... khi người mình đến Nhật du lịch, chị cũng từng nhìn thấy ở nhiều điểm tham quan. Hoặc chuyện đi thang máy, người Nhật có thói quen đứng sang một bên để nhường lối cho người đang vội lên xuống. "Nhiều khi khách du lịch không để ý điều này nên đứng tràn sang hai bên", chị nói.
Theo chị, Nhật Bản cũng là đất nước rất ít thùng rác công cộng nên hầu như mỗi người tự đem rác về. Và họ rất chú trọng văn hóa nơi không gian chung nên những xử sự của khách nước ngoài phải phù hợp, lịch sự, nhẹ nhàng.
Chị chia sẻ: "Tôi cũng không bất ngờ vì có một số vụ việc trộm cắp vặt như trộm trái cây bị bắt gặp. Tôi từng thấy tấm bảng nhắc nhở bằng tiếng Việt dán ở cửa ra vào một siêu thị".
Chị Hoàng Trang (44 tuổi, sống tại bang Texas, Mỹ) còn cho biết mình đã trải nghiệm những tình huống "không vui chút nào" vì thói quen ăn to nói lớn, chen hàng của đồng hương. "Mấy lần gia đình tôi đi mua thức ăn, đi siêu thị, đang xếp hàng thì người khác chen ngang. Có lúc tôi dắt theo con nhỏ, đang đợi ở quầy thịt, hai vợ chồng khoảng ngoài 50 tuổi vượt lên trước mặt. Đến chỗ mua bánh mì, một chị ào vào và có kiểu chụp giật như sắp cháy nhà đến nơi", chị kể và cho biết thêm thường người bán hàng gốc Việt sẽ ngó lơ những trường hợp này. Còn người bản xứ sẽ cử nhân viên ra nhắc nhở, đề nghị xếp hàng chờ tới lượt.
Chị Trang cũng từng chứng kiến chuyện người mình ăn to nói lớn nơi công cộng, la hét con cái dù đang ở nơi yên tĩnh. Có lần chị thấy vài người nước ngoài lắc đầu và than phiền, nhưng có lẽ người gây ồn không rành tiếng Anh và thiếu tế nhị nên vẫn tỏ ra như không có gì. Có khi dắt chó đi dạo, vài người vô tư để thú cưng tiểu tiện nơi công viên mà không đem theo túi ni lông để dọn.
Chủ "la mắng nhân viên như hát" cũng là cảnh chị hay chứng kiến khi đến tiệm nail tút lại bộ móng. Hoặc có một anh chủ tiệm bánh mì, do chị không thấy đề giá nên hỏi để lấy sẵn tiền trong giỏ thì bị nạt xé gió "Có mấy đồng cũng hỏi giá".
"Không phải tôi vơ đũa cả nắm, điều này còn tùy thuộc văn hóa gia đình, lối sống, chỉ là nêu lên để mọi người chú ý hơn trong cách ứng xử. Điều này cũng giúp hình ảnh người Việt tốt hơn. Đôi khi nhận những cái nhìn không thiện cảm khi biết mình là người Việt, tôi cũng hơi buồn", chị chia sẻ.
Môi trường sống sẽ thay đổi hành vi
Theo GS Trương Nguyện Thành, một thói quen người Việt, mà ông quan sát được trong những năm tháng sống ở nước ngoài và đi về giữa hai nước, là ở Việt Nam tiếng ồn lớn nên giọng nói mọi người khá to. Họ quen nói lớn để người khác nghe được, ví dụ ở quán ăn, chợ...
Khi sang nước ngoài, âm thanh môi trường sống yên tĩnh hơn. Đồng thời khi được ai đó nhắc nhở và tự cảm thấy mình khác biệt, người ta sẽ biết điều chỉnh hành vi, nhỏ giọng lại. "Hơn nữa, người nước ngoài thường không gây gổ hoặc lớn tiếng góp ý mà sẽ dùng ánh mắt phản ứng những ứng xử kém văn minh", ông nói.
GS Thành nhắn nhủ rằng khi sống ở nước ngoài, việc giữ gìn hình ảnh bản thân rất quan trọng. Ông sống trong môi trường học thuật hơn bốn mươi năm, môi trường này khác với xã hội bên ngoài ở chỗ có những chuẩn mực đạo đức xã hội cao hơn. "Chẳng hạn trong văn hóa tranh cãi, môi trường học thuật có thể bất đồng ý kiến và nhấn mạnh câu nói nhưng không được quyền mất kiểm soát cảm xúc, lớn tiếng", ông nói.
Cũng theo ông, khi đi nước ngoài, chúng ta nên tìm hiểu trước văn hóa của nước sở tại để ứng xử phù hợp. Đơn giản như với quan niệm ga lăng, lịch sự, người Mỹ rất trọng công bằng giới tính, có những hành vi nếu đối xử giữa nam nữ khác nhau sẽ dễ bị cho là phân biệt giới tính, như việc mở cửa giúp phái nữ.
"Chúng ta hết sức để ý hành vi, cử chỉ, nhất là trong những lúc đi du lịch, công tác. Khi đó chúng ta đại diện cho người Việt, đại diện danh dự quốc gia nên phải thận trọng để tránh những đánh giá không tốt", ông Thành chia sẻ.
Tuy nhiên bên cạnh nhiều hành vi cần góp ý, GS Thành cũng nhận thấy đã có những dấu hiệu cải thiện tích cực. "Một thói quen tôi thấy khá thú vị là khi người Việt đến một môi trường khác thì thích nghi nhanh chóng", ông nói. Chẳng hạn ở Mỹ, việc xả rác bị phạt tiền; hơn nữa khi thấy không gian sạch sẽ, trang bị thùng rác đầy đủ thì hành vi của con người cũng được điều chỉnh.
Còn ở quê hương, thời gian qua ông nhận thấy một số thói quen được cải thiện đáng kể, như việc xếp hàng hoặc dừng đậu xe đúng làn đường, tuân thủ đội nón bảo hiểm như ở TP.HCM.
Từ đó, ông gợi ý giải pháp từ môi trường sống. Thí dụ thay vì để bảng cấm, chúng ta có thể chỉnh trang cho vỉa hè nơi đó sạch sẽ để người có ý định xả rác, tiểu tiện phải ngại ngần. "Tôi nghĩ môi trường sống sẽ thay đổi hành vi. Nếu ta muốn hành vi thế nào thì có thể nghĩ đến việc thay đổi môi trường nơi đó", ông nói.
Ý kiến bạn đọc
* Báo Tuổi Trẻ nên có nhiều loại bài nêu những tật xấu của người Việt, qua đó cũng để giáo dục lòng tự trọng của dân mình nhằm nâng cao lối sống ngày càng lịch sự, văn minh. (Trần)
* Ồn ào có thể xuất phát từ sự lệch chuẩn. Người ta không nghĩ việc đang làm là sai, vì họ không có khái niệm các chuẩn mực và giá trị khi thực hiện các hành vi ứng xử này.
Trong một số tình huống, họ còn có vẻ tự hào khi ồn ào như thế. Người Việt cả nể, thường hay bỏ qua, né tránh, chịu đựng, dĩ hòa vi quý. Và những người ồn ào vẫn cứ thế, họ không biết mình sai, họ nghĩ hồn nhiên mình đang làm những thứ rất hay ho. (Đặng Bách)
* Có lần tôi uống cà phê ở nhà hàng của một khách sạn tại quận 1, bên cạnh là hai bàn người nước ngoài. Một bàn khách nước ngoài chắc do hứng quá nói cười ồn ào. Một khách ở bàn bên cạnh qua góp ý. Lập tức khách làm ồn xin lỗi, giữ yên lặng và rời đi. Một lần khác cũng ở khách sạn này, cũng hai bàn kế bàn tôi, nhưng một bàn là dân Việt đang nhậu, một bàn là khách nước ngoài. Bàn nhậu "dzô dzô, cười nói oang oang". Khách nước ngoài gọi nhân viên khách sạn nhờ góp ý yên lặng giùm. Khi nhân viên đến góp ý, lập tức khách bàn nhậu nhao nhao sửng cồ lên. Giờ thì đến lượt tôi thấy ngượng với khách của mình và rủ anh này rời đi nơi khác. (Hoài Yên)
***********
"Cái thằng gì nhỏ nhẻ như con gái thế. Nói to lên xem nào", một Việt kiều sững sờ khi bước vào quán ăn ở Hà Nội và được khuyến khích người ta nói to thì mình phải hét to hơn.
Kỳ tới: Người ta nói to thì mình hét to hơn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận