Như tựa bài hát khá nổi "Chịu thì chịu, không chịu thì chịu", nhiều người chỉ còn biết lắc đầu khi kẻ khác quá ồn ào, thiếu lịch sự.
Quán xá là chuyện nhỏ. Người Việt ồn ào còn là những chiếc loa sống bằng mồm không tha chỗ nào, từ ngõ hẻm ra phố lớn, từ hội nghị cho đến những nơi trang nghiêm.
"Sống sao cho anh em nể à nghe"
Mỗi tháng thủng thẳng về thăm nhà ở Củ Chi đôi lần nhưng anh Lê Bằng Giang (38 tuổi, chuyên viên tín dụng làm việc ở quận 3, TP.HCM) chẳng được hưởng không khí đồng quê yên tĩnh khi hàng xóm cứ tới cữ là nhậu.
"Nếu chỉ nhậu sơ sơ rồi giải tán thì cũng không sao. Nhưng họ uống xả láng từ trưa tới 11h đêm, hát karaoke và vừa nhậu vừa giảng đạo lý làm người", anh cười nói.
Họ "dzô dzô" tới lúc những nhà khác chuẩn bị nghỉ trưa thì bắt đầu lời qua tiếng lại ầm ĩ. "Tao đã nói mày rồi, thằng này sống trên đời không thẹn với ai. Sống sao cho anh em nó nể à nghe", một người trong nhóm bắt đầu.
Thấy chiến hữu gương mặt mơ màng chưa tiếp thu, người này khoe hàng loạt thành tích chơi đẹp của mình để... khè. Tiếp đó, chiến hữu khác chen vào kể chuyện nhà, rồi làm sao để đi nhậu mút chỉ cà tha mà vợ vẫn nghe lời, chăm lo nhà cửa ngon ơ. Khi người này nói, người khác cũng chen vô, thành một dàn đồng ca đầy ám ảnh.
Xong rồi họ chuyển qua dạy dỗ lẫn nhau. Ban đầu nghe vui vui, nhưng một hồi thấy lùng bùng lỗ tai và không tài nào ngủ trưa được, anh Giang bèn gút: chở mẹ qua nhà anh trai cách đó 10km tạm lánh "kiếp nạn" này.
Từ hồi chuyển tới trọ trong một con hẻm đường Mai Văn Ngọc, quận Phú Nhuận, chị Phan Ánh Tuyết (31 tuổi) ít khi phải để đồng hồ báo thức vì có ông hàng xóm... chất như nước cất, giọng vang như loa thùng. Ông đi làm đêm, chừng 6h sáng về tới là la lớn "T. ơi mở cửa cho bố!" cỡ 4 - 5 lần.
Phòng hàng xóm nhìn sang đối diện phòng mình nên mỗi khi ông đứng ban công "a lô" nói điện thoại là chị giật mình.
"Mấy lần đang mở Zoom học online, ông nói to mà nói lâu, đệm mấy câu chửi tục nên tôi đành xin phép cô giáo không mở micro trả lời bài tập. Còn những lúc nhà ông gây gổ thì kéo dài cả tiếng, chửi nhau như sấm nổ. Mấy nhà khác cũng ló đầu ngó ra, xì xào", chị hài hước kể.
Ở hẻm này, chị còn chứng kiến những chuyện ồn ào không ra con giáp nào."Rác nhà ông này lấn sang nhà bên gang tay cũng la um. Rồi vựa bán đồ cũ nhà anh kia sau giờ cơm trở thành sân khấu hát cho nhau nghe. Hôm nghe hát, hôm nghe chửi con chửi cái", chị kể mà cười mếu.
Còn chú chó cưng của "chị đại" nhà cuối hẻm cũng thành nguồn cơn ồn ào. Hễ chó đi vệ sinh lạc địa chỉ trước nhà ai, gần như tức khắc cả xóm nghe lời phân trần kiểu "nhai lỗ tai" lặp đi lặp lại của bà: "Con nói bác nghe, hồi nó còn nhỏ, con đã nói con bé đem cho đi, nuôi làm gì. Con mà biết nó qua tiểu tiện nhà nào là con đến xin lỗi ngay". Sau đó bà quay qua mắng yêu chú chó "con đi đâu để người ta mắng bà vậy con".
Tuy nhiên, không phải sự ồn ào nào cũng êm xuôi. Không ít vụ hệ quả nghiêm trọng, như chỉ lộn xộn sau trận banh của trẻ nhỏ mà giết người.
Chiều 15-7-2022, em L.K.D. (con gái của Huỳnh Thị Bích Dung - 47 tuổi) chơi ở sân công viên chung cư Cây Mai (quận 11) thì mâu thuẫn với nhóm trẻ đá bóng, trong đó có em T.N. (con trai của Lương Duyên Doanh Phương - 41 tuổi). Dung sang gặp Phương cự cãi, cha Phương ra xin lỗi.
Lát sau thấy em D. quay trở lại công viên chơi, Phương lấy dao ra dọa. Biết chuyện, Dung gọi em gái huy động người đến.
Ẩu đả xảy ra, Phương đâm chết một người trong nhóm của Dung. Cha con Phương cũng bị thương. Công an quận 11 đã bắt 8 người để điều tra hành vi giết người, cố ý gây thương tích. Sự việc nhỏ bé ban đầu mà hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Ồn ào nơi cần sự nghiêm túc
Một số người khi đến không gian thờ tự, những nơi đòi hỏi sự nghiêm túc như các hội nghị, phòng trưng bày yên tĩnh nhưng cũng hồn nhiên nói cười, không giữ ý tứ.
Những dịp lễ cùng người nhà đi chùa, chị Tuyết hay thấy cảnh một số người chen ngang chụp ảnh, chuyện trò lao xao trong bầu không khí trang nghiêm. "Họ còn mặc váy ngắn, giẫm lên cỏ kiểng để chụp hình nhìn phản cảm", chị nói.
Do công ty hay tổ chức các sự kiện về nhân sự, công nghệ, anh Phan Huy (35 tuổi, ngụ Vườn Chuối, quận 3) chia sẻ rằng ngoài chuyện đến trễ có khi cả tiếng, một số người hay có thói quen đứng phắt dậy để chụp hình hội nghị. Họ không để ý nên che mất tầm nhìn người ngồi sau và thế đứng hơi kỳ.
"Trong những lúc tạm nghỉ và ăn nhẹ, một số người vô ý chen ngang khi chưa tới lượt hoặc không xếp hàng. Tôi thấy chục sự kiện thì đều có vụ này. Tuy nhiên, do chương trình diễn ra trong các hội trường nghiêm túc nên cũng không có tình trạng ồn ào thái quá", anh nói.
Chuyện người Việt gây ồn khi đi du lịch không hiếm. Bản thân anh từng chứng kiến người khác có những màn hành xử lạ lùng. "Thậm chí trên chuyến bay, họ nói chuyện lớn tiếng, gác chân lên ghế làm ảnh hưởng người ngồi ghế trước", anh kể.
Vì đâu người ta hay ồn ào?
Ồn ào không chỉ biểu hiện qua lời ăn tiếng nói, cách cư xử, mà còn nói lên đặc tính thích trở thành cái "rốn vũ trụ" của một số người.
Theo TS Vũ Thị Phương (phó phụ trách khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật Trường đại học Văn hóa TP.HCM) xã hội càng phát triển càng phải đi kèm với văn minh, trong đó con người được trang bị những kỹ năng, kiến thức để ứng xử văn minh hơn. Thế nhưng tình trạng ồn ào, cư xử thiếu lịch sự nơi công cộng đã tồn tại từ lâu và có những thời điểm tăng cấp độ.
"Những hành vi như ăn to nói lớn, chen hàng, xả rác hoặc gây gổ nơi đông người ở thành thị, nông thôn hoặc ở bất kỳ độ tuổi, giới tính, không gian trong nước hoặc đi nước ngoài đều có thể xảy ra. Hành vi lặp lại nhiều lần sẽ thành thói quen", bà cho biết.
Theo bà, có thể lý giải nguồn gốc của những lối hành xử chưa đúng đắn nơi công cộng xuất phát từ yếu tố giáo dục. Giáo dục để có nhận thức đúng đắn, từ đó có thái độ phù hợp là rất quan trọng.
Bên cạnh đó có thực trạng một số trường hợp không những ồn ào mà còn cư xử "hổ báo", gây gổ nơi đông người. Bàn về phản ứng của mỗi người trước tình trạng này, bà phân tích sẽ có những người im lặng, phản ứng bằng ánh mắt.
Hoặc họ tự bảo vệ mình như đeo tai nghe, đổi chỗ ngồi để không bị làm phiền. Nhưng có người sẽ thấy chuyện ồn ào là bình thường và không thể hiện thái độ.
Cũng có những người bày tỏ sự khó chịu, bất bình bằng ngôn từ nhắc nhở lịch sự để đối phương điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số cá nhân bức xúc hoặc hành động thô bạo can thiệp, dễ dẫn đến tình huống cãi nhau nhoi trời, sứt đầu mẻ trán.
"Trong trường hợp gặp phải tình huống ồn ào, chúng ta cần bình tĩnh nhận diện, phân loại đối tượng gây ồn để có phản ứng linh hoạt", bà nói.
Bạn đọc ý kiến
Người Việt mình ồn ào, thiếu ý thức nơi công cộng thì hầu như ở đâu cũng thấy, tầng lớp nào cũng thấy. Hồi 18h, ngày 27-7 vừa rồi, tôi ngồi tại Business Lounge của Vietnam Airlines Nội Bài chờ chuyến bay, một anh trung niên liên tục nói cười hơ hơ trong điện thoại, ầm ĩ, rồi sặc nước, ho khạc cũng ầm ĩ, người xung quanh đều nhìn khó chịu. Người đàn ông vẫn tỉnh bơ ồn ào trong điện thoại.
Linh
Người VN ta còn nổ với chảnh hơi bị nhiều. Cần sống có ý thức và khiêm tốn hơn.
Mai Phương
Không biết môn giáo dục công dân của học sinh có dạy những điều này hay không nữa? Nếu có dạy, thì nên dạy lúc lớp 1, lớp 2, lớp 3 thì mới được. Chớ để lên cấp II rồi thì học sinh khó nhớ lâu.
Nhà quê
--------------------
Một số người Việt đi nước ngoài cũng gặp tình huống cười mếu khi bước vào quán xá ồn ào nhoi trời và nhận ra chính đồng hương đang mở loa miệng mát trời ông địa mặc kệ ánh mắt mất thiện cảm của người nước bạn.
Kỳ tới: Dân ta cũng "nổ văng miểng" ở nước ngoài
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận