Không biết quản lý tài chính cá nhân, dễ rơi vào cạm bẫy
Chia sẻ tại diễn đàn được tổ chức ở Trường đại học Văn Lang (TP.HCM), TS Lê Minh Nghĩa - chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam - nhìn nhận quản lý tài chính cá nhân là chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt giới trẻ.
Tuy nhiên trình độ của người dân về mảng này còn hạn chế. Tỉ lệ người dân biết đọc bảng cân đối thu - chi tài chính cá nhân còn thấp.
Dẫn chứng, theo một cuộc khảo sát nhỏ được thực hiện tại thủ đô Hà Nội, có trên 80% người được khảo sát trả lời rằng không biết hoạch định tài chính cá nhân là gì.
Trong khi đó niềm tin của người dân vào thị trường tài chính vẫn đang bị tổn thương, khi gửi tiết kiệm bỗng trở thành nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp, mua bảo hiểm nhân thọ nhưng vẫn nghĩ là đang gửi tiết kiệm linh hoạt...
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết quy mô thị trường tài chính Việt Nam đã chiếm khoảng 300% GDP. Riêng tiền gửi cá nhân hiện chiếm trên 50% tổng lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng.
Mặc dù tài chính cá nhân là vấn đề rất quan trọng, nhưng ở Việt Nam gần như ít được quan tâm, dễ rơi vào tín dụng đen. Nhiều người không biết cách kiếm tiền, tiêu tiền hợp lý, đầu tư để tiền sinh tiền. Người dân cũng gặp thách thức về khả năng vay - trả, vay dễ nhưng không tính toán kỹ việc trả, dễ sa vào cạm bẫy tài chính.
Có 15 năm môi giới chứng khoán chuyên nghiệp, ông Huỳnh Minh Tuấn, giám đốc môi giới hội sở Chứng khoán Mirae Asset, cho biết kiến thức về tài chính ở nhiều nước trên thế giới rất cao.
Một cậu bé nhỏ tuổi ở Mỹ ông gặp gần đây còn biết được lợi tức hằng năm mà bố mẹ kiếm được từ việc cho thuê nhà là bao nhiêu. Hay khi đang ăn mì bò, một bác lớn tuổi ở Đài Loan còn bày tỏ muốn đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam thông qua chứng chỉ quỹ ETF (tỉ lệ nhà đầu tư chứng khoán ở Đài Loan chiếm gần 80%, người có căn cước công dân).
Trái ngược, kiến thức về tài chính ở nước ta còn yếu. Chẳng hạn trong vụ trái phiếu Vạn Thịnh Phát, có người 50 tuổi vẫn bị lầm tưởng mình đang gửi tiết kiệm, nhưng thực chất là mua trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Không có kiến thức, cũng không nhờ tư vấn, đến khi té ngửa mới chạy tìm người tư vấn thì đã muộn, rất đau.
Nỗ lực để học sinh cấp III được học môn quản lý tài chính cá nhân
Bà Nguyễn Thị Hiền - phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - đánh giá: "Mức độ hiểu biết tài chính ở Việt Nam còn thấp so với khu vực và thế giới".
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành "Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030", trong đó có mục tiêu nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp.
Theo bà Hiền, dù cơ quan chức năng, doanh nghiệp, ngân hàng... có những cơ chế bảo vệ, nhưng người dân không thể phó mặc toàn bộ cuộc đời mình cho bất kỳ ai, mà cần chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng về hoạch định tài chính cá nhân, từ đó bảo vệ cũng như phát triển tốt của cải.
TS Lê Minh Nghĩa ví thị trường tài chính đứng trên chiếc kiềng ba chân. Giáo dục tài chính công và tài chính doanh nghiệp được quan tâm rất nhiều. Riêng giáo dục tài chính cá nhân chưa có chủ trương chính danh, như đốm lửa tự phát. Trong khi nhiều quốc gia phát triển đã đưa quản lý tài chính cá nhân vào dạy ở bậc phổ thông, rèn luyện cách kiếm tiền khôn ngoan khi còn rất nhỏ.
TS Cấn Văn Lực kiến nghị cần phổ cập, đưa môn quản lý tài chính cá nhân vào chương trình học cấp III, vì bậc đại học là muộn rồi. Bản thân ông và những người tư vấn chính sách sẽ quyết tâm theo đuổi để đưa kiến nghị này thành hiện thực.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - chia sẻ tới diễn đàn "Phát triển thị trường tài chính cá nhân tại Việt Nam" để lắng nghe nhu cầu xã hội, từ đó có thể tham mưu tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận