Vỡ phình động mạch não cũng là nguyên nhân gây đột quỵ, chảy máu não ở người trẻ tuổi. Hậu quả do vỡ phình động mạch não gây ra rất thảm khốc, tỉ lệ tử vong khoảng 34 - 45%, trong đó có gần 10% tử vong nhanh chóng trong vòng 1 giờ đầu trước khi được đưa tới bệnh viện.
Hôn mê, tử vong vẫn không biết bệnh
Bệnh nhân nữ 34 tuổi (Hà Nội) đột quỵ trong nhà vệ sinh trong giờ làm việc ở công ty, được phát hiện và vào viện ngay, nhưng đến bệnh viện, bệnh nhân đã hôn mê sâu, đồng tử giãn hai bên.
Phim chụp cho thấy chảy máu não rất nhiều, nguyên nhân do vỡ phình động mạch thông trước. Bệnh nhân được chuyển mổ ngay và dù kiểm soát được túi phình nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng.
Bệnh nhân nữ 68 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) đột ngột đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, sợ tiếng động và ánh sáng xung quanh. Bà nhập viện cấp cứu ở ngày thứ 2 của bệnh và được xác định bị vỡ phình động mạch não vị trí gốc động mạch. Rất may bà được phẫu thuật xử lý thành công túi phình tại Bệnh viện E mà không có di chứng gì đáng kể.
Bác sĩ Nguyễn Đức Anh, phụ trách khoa , Bệnh viện E, cho biết phình động mạch não là bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh nhập viện không biết mình bị bệnh lý này.
"Bệnh này khá phổ biến nhưng chưa có thống kê tại Việt Nam. Tại Mỹ chiếm tỉ lệ 3 - 5% dân số. Bệnh không có triệu chứng và thường được phát hiện khi túi phình đã vỡ, chảy máu hoặc tình cờ khi khám sức khỏe vì một lý do nào đó như đau đầu, chóng mặt, sụp mi… chụp cộng hưởng từ thì mới biết có phình mạch não" - bác sĩ Đức Anh nhấn mạnh.
Đặc biệt, phình động mạch não có thể vỡ nhiều lần, lần sau thường nặng hơn lần trước và khó biết thời điểm bị vỡ lại. Khoảng 30 - 35% số bệnh nhân bị vỡ chảy máu tái phát trong vòng 2 tuần đầu sau lần chảy máu đầu tiên, 60% trong số vỡ lại đó thường không qua khỏi.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Bệnh viện Quân y 103, phình động mạch não là một nguy cơ sát thương tiềm ẩn trong não, có thể cướp đi sự sống một cách nhanh chóng. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi từ 31 - 70, nhóm hay gặp nhất từ 41 - 50 tuổi (chiếm 29%).
Tỉ lệ gặp phình động mạch não trong cộng đồng khoảng 1 - 8%, và tỉ lệ vỡ phình động mạch não khoảng 1 - 3%. Nhiều trường hợp tử vong tại nhà gia đình cũng không biết bệnh.
Lối sống gây vỡ túi phình ở giới trẻ?
Bác sĩ Đức Anh cho biết cùng với dị dạng động tĩnh mạch não, vỡ phình động mạch não cũng là nguyên nhân trong đột quỵ chảy máu não ở người trẻ tuổi.
Vỡ phình mạch não hay gây xuất huyết dưới nhện - một loại đột quỵ chảy máu não rất nặng, tỉ lệ tử vong và tàn phế cao. Trung bình 10% bệnh nhân xuất huyết dưới nhện chết trước khi vào viện, 25% chết trong vòng 24 giờ, xấp xỉ 45% chết trong vòng 30 ngày.
Bệnh phình mạch não thường xảy ra ở các đoạn ngã ba hay đoạn phân nhánh của động mạch, do vị trí này thành mạch thường yếu hơn các đoạn mạch khác. Nguyên nhân gây phình mạch máu não bao gồm: do tập luyện thể dục thể thao quá sức;
Do dùng quá nhiều chất kích thích, đặc biệt là cà phê, soda; do quan hệ tình dục không đúng cách; do chấn thương hay các bệnh lý nhiễm trùng khác trên não...; do bị chèn ép bởi các khối u; phình mạch bẩm sinh do dị dạng bẩm sinh ở thành mạch...
Nguy cơ phình vỡ động mạch não tăng ở những người có bệnh: tăng huyết áp; hút thuốc lá; rượu bia; có bệnh lý xơ vữa mạch máu; thiếu hụt estrogen ở nữ: thường sau mãn kinh, làm giảm collagen ở mô, tăng nguy cơ phình mạch não; hẹp eo động mạch chủ...
Đặc biệt, một số bệnh di truyền làm tăng nguy cơ phình động mạch não như: bệnh mô liên kết ví dụ hội chứng Ehler - Danlos; bệnh thận đa nang; cường Aldosteron có tính chất gia đình type 1; hội chứng Moyamoya; gia đình có người mắc bệnh...
Phát hiện sớm tránh được tử vong và tàn phế
Bác sĩ Tuấn cho biết ở các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức…, bệnh do vỡ phình động mạch não gây ra (bệnh xuất huyết dưới nhện hay xuất huyết màng não) ít gặp hơn ở những nước kém phát triển.
Thành quả chủ yếu do người bệnh được khám xét, khảo sát động mạch não trong cộng đồng để sàng lọc người bệnh có phình động mạch từ lúc chưa bị xuất huyết dưới nhện. Đa phần phình mạch được xử lý trước khi bị vỡ nên giảm được rất nhiều hiểm họa do túi phình động mạch não gây ra.
Rất nhiều trường hợp chỉ đau đầu đơn thuần, kèm sốt nhẹ (dân gian vẫn hay nghĩ là cảm lạnh, trúng gió), nhưng khi chụp lại phát hiện ra vỡ phình mạch não. Vì vậy không nên coi thường những biểu hiện như vậy, cần đến bệnh viện khám, không tự ý điều trị tại nhà.
Một khi phình mạch não vỡ có thể gây ra những biến chứng rất nặng nề, như: co thắt mạch não, thiếu máu não, phù não, tăng áp lực trong sọ, giãn não thất..., thậm chí tử vong.
Khi túi phồng chưa vỡ: Người bệnh không có triệu chứng gì trong khoảng thời gian dài từ khi hình thành phồng động mạch não. Khi túi phồng lớn dần có thể gây ra một số triệu chứng như: đau đầu, sụp mi, nhìn đôi, giảm thị lực, đau tức sau hốc mắt…
Khi túi phồng bị vỡ: Triệu chứng đột ngột xuất hiện là đau đầu dữ dội, đau kéo dài và thuốc giảm đau ít có tác dụng, có thể đau dọc theo cột sống cổ lên đỉnh đầu, kèm theo nôn, có thể co giật, nặng hơn là ý thức chậm chạp, lẫn lộn hoặc hôn mê…, một bên chân tay có thể bị liệt, cứng gáy, huyết áp cao 160 - 180 mmHg hoặc hơn nữa…
Chảy máu tái phát có thể xảy ra sau 3 - 6 giờ, hoặc muộn hơn sau 5 - 7 ngày từ lần chảy máu đầu tiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận