6 lần điều trị viêm tụy cấp vì mỡ máu tăng
Khoa cấp cứu tiêu hóa (A3C) Viện Điều trị các bệnh tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết vừa tiếp nhận và điều trị thành công một bệnh nhân viêm tụy cấp mức độ nặng do tăng triglyceride máu.
Bệnh nhân nam đến từ Hà Nội, đã điều trị viêm tụy cấp 6 lần ở các bệnh viện tuyến trước, lần này bệnh nhân vào khoa cấp cứu tiêu hóa trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng dữ dội. Kết quả chụp cắt lớp ổ bụng có hình ảnh viêm tụy cấp phù nề, xét nghiệm men tụy tăng cao, mức độ triglyceride lúc vào rất cao, ở mức 157mmol/L.
Bệnh nhân đã được điều trị bằng truyền dịch, giảm đau và hạ mỡ máu bằng truyền insulin đường tĩnh mạch. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã hết đau bụng, mức độ mỡ máu về giới hạn cho phép và được xuất viện.
Viêm tụy cấp do tăng mỡ máu gặp ở khoảng 30-35% trong tổng số bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện. Với mức triglyceride >5.6 mmol/L bệnh nhân có nguy cơ bị viêm tụy cấp, nếu triglyceride >11.3 mmol/L nguy cơ mắc viêm tụy cấp là 5%, tỉ lệ này tăng lên 10-20% khi mức triglyceride > 22.6 mmol/L.
Hầu như tại các bệnh viện ngày nào cũng có bệnh nhân viêm tụy cấp phải nhập viện. Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) mới cấp cứu cho nam bệnh nhân 48 tuổi vào viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thượng vị, bụng chướng do viêm tụy cấp hoại tử đuôi tụy, triglyceride máu tăng cao >57 mmol/L (trong khi người bình thường là 0-2,3 mmol/L), mỡ máu là 76mmol/L, máu lấy ra trắng đục như sữa.
TS Ngô Thị Hoài, khoa cấp cứu tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ: "Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm tụy cấp do tăng mỡ máu thường nặng hơn và đe dọa tính mạng bệnh nhân hơn so với các nguyên nhân khác. Nếu mỡ máu của bệnh nhân không được điều trị thì nguy cơ viêm tụy cấp tái phát. Tiếp đó dẫn đến viêm tụy mạn gây suy cả tuyến tụy nội tiết và ngoại tiết.
Điều đáng lo ngại là hiện tình trạng rối loạn mỡ máu ngày càng gia tăng không chỉ ở người béo mà cả người gầy, người ăn chay, trẻ nhỏ... Cứ 4 người ở Việt Nam thì có 1 người mắc bệnh máu nhiễm mỡ, trong đó tỉ lệ ở độ tuổi 35 - 44 là 41,7% và ngày một tăng cao.
"Viêm tụy cấp là bệnh lý nặng, có nhiều biến chứng như hoại tử tụy, tụ dịch nhiễm khuẩn, suy đa tạng, suy hô hấp tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi cơn nguy kịch đã tạm qua, các biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc, suy kiệt vẫn rình rập.
Bệnh rất dễ tái phát nhiều lần. Vì vậy, bệnh nhân luôn cần được theo dõi y tế sát sao và thực hiện đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ", bác sĩ Lương Minh Tuấn, phó giám đốc, trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho biết.
Thói quen ăn uống gây biến chứng nặng nề
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, phó viện trưởng viện tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết chế độ ăn uống không hợp lý, mỡ máu cao, nghiện rượu, béo phì, sỏi mật và mang thai đều là những yếu tố gây ra viêm tụy cấp. Đặc biệt là chế độ ăn uống không đúng cách, ăn quá nhiều hoặc uống quá nhiều...
Rất nhiều bệnh nhân sau ăn tiệc phải cấp cứu vì viêm tụy cấp. Đây là tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc trong tiêu hóa thức ăn. Do ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, nhiều đạm… lại uống nhiều rượu bia vào cơ thể.
Khi các chất này phân hủy thành các hạt dưỡng chấp, ứ đọng quanh tụy và các ống dẫn gây tắc vi mạch trong tụy, dẫn đến viêm tụy. Đặc biệt, việc ứ đọng này khiến tụy phải hoạt hóa men tụy ngay trong tụy, từ đó tụy bị phân hủy, chất độc ngấm vào máu gây nguy hiểm cho cơ thể.
Theo PGS Tuấn, trước đây cấp cứu do viêm tụy cấp chủ yếu do bệnh đường mật, do sỏi hoặc giun, nhưng hiện nay đa phần phải cấp cứu do rối loạn chuyển hóa lipid. Ngoài cholesterol tăng cao, đa số bệnh nhân có hàm lượng triglyceride cao gấp 15 - 17 lần giới hạn cho phép.
"Triglyceride là một dạng mỡ trong cơ thể. Tăng triglyceride thường gặp ở những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống nhiều rượu. Khi uống nhiều cộng với thức ăn nhiều mỡ, tiết canh, hải sản, thịt chó, lục phủ ngũ tạng sẽ khiến triglyceride máu tăng đột biến" - PGS Tuấn phân tích.
Các chuyên gia cảnh báo viêm tụy cấp là một bệnh lý nội khoa cấp tính gây nhiều biến chứng. Một đợt viêm tụy cấp có thể xảy ra sau một lần uống nhiều rượu hoặc sau một bữa ăn thịnh soạn. Bệnh rất dễ tái phát, nhiều bệnh nhân một năm nhập viện 2 - 3 lần, thậm chí có người bị tới 7 - 8 lần/năm.
Các biến chứng thường gặp của viêm tụy cấp bao gồm: giảm thể tích máu; hoại tử tụy, nang giả tụy, suy hô hấp cấp, liệt ruột cơ năng, nhiễm trùng huyết… Bệnh nặng có thể gây biến chứng toàn thân như trụy tim mạch, suy giảm hô hấp, suy giảm chức năng thận, loét dạ dày tá tràng, bệnh nhân có thể bị sốc và tử vong 5-10%.
Cách tránh viêm tụy cấp
Để tránh viêm tụy cấp do ăn uống, cần giữ gìn vệ sinh an toàn trong ăn uống, định kỳ 6 tháng đến một năm tẩy giun một lần để tránh mắc ký sinh trùng đường ruột; ăn uống hợp lý, tránh ăn đạm mỡ nhiều, không sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm và tránh việc sử dụng bia rượu quá nhiều để bảo đảm cho cơ thể luôn luôn được khỏe mạnh.
Để ngăn ngừa viêm tụy cấp do tăng mỡ máu, nên giảm ăn thực phẩm giàu chất béo như thịt mỡ, nội tạng động vật, các sản phẩm từ kem. Nên nấu ăn bằng những phương pháp ít dầu như hấp, hầm, luộc.
Hạn chế ăn đường và ăn ít đồ ngọt; tránh hoặc uống ít đồ uống có đường; giảm tần suất ăn các thực phẩm đóng gói có hàm lượng đường cao như bánh quy, kem, sô cô la...; hạn chế sử dụng đường trong nấu ăn tại nhà.
Đặc biệt, tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, vận động vừa phải và sử dụng thuốc hạ mỡ máu đúng cách khi có vấn đề về mỡ máu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận