Ngày 5-4, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tổ chức hội nghị phát triển "Mạng lưới tư vấn viên vận động hiến mô, tạng" khu vực phía Nam và thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vì sao các bệnh viện ngừng hoặc hạn chế ghép tạng?
Phát biểu tại hội nghị, PGS Đồng Văn Hệ - giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể người - cho biết Việt Nam đã thực hiện ghép tạng lần đầu tiên cách đây 32 năm, đến nay đã ghép 8.365 ca, số lượng còn hạn chế.
Từ năm 2010 bắt đầu ghép tạng từ người cho chết não, số lượng ghép mới tăng lên. Năm 2023, số ca ghép tạng tăng gấp 4 lần so với cách đây 10 năm (2013). Hai năm qua, số lượng ghép trên toàn quốc là hơn 1.000 ca.
Tuy nhiên công tác hiến, ghép tạng tại Việt Nam vẫn đang phát triển sau thế giới 50 năm. Ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, tỉ lệ hiến tạng từ người chết não rất cao, hơn 90% tạng hiến lấy từ người chết não, chết tim.
Trong khi đó, số người hiến tạng tại Việt Nam vẫn còn thấp, chủ yếu từ người cho sống. Tạng hiến từ người chết não rất thấp, chỉ chiếm 6%, từ người sống chiếm 94%.
Hiện nay chúng ta có 26 cơ sở ghép tạng, tỉ lệ ghép được rất thấp, còn hạn chế chỉ có 4 bệnh viện ghép trên 100 ca/năm. Nguyên nhân là do không có tạng người ghép, hiến tạng từ người sống rất nhiều vấn đề sau này, bệnh nhân phàn nàn nên các bệnh viện ngại và dừng chương trình ghép tạng.
Ông Hệ dẫn chứng hình ảnh nhiều người bệnh tại Bệnh viện Phổi trung ương, trong đó có những cô gái trẻ, những bệnh nhân bị suy phổi, nhưng đã tử vong vì đợi mãi không có phổi từ người chết não hiến.
"Tại nhiều bệnh viện hiện nay rất nhiều bệnh nhân chờ ghép tạng như tim, phổi nhưng người bệnh qua đời trong sự tiếc nuối, chúng ta không thể làm gì hơn vì không có tạng", ông Hệ nhấn mạnh.
Có 10 yếu tố liên quan trực tiếp đến việc hiến mô, tạng thường do nhận thức của người dân, tôn giáo, quan niệm "chết toàn thây"…
Thiếu nguồn cung, buôn bán tạng phát triển
TS Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết người bệnh suy mô tạng chỉ có một phương pháp điều trị tối ưu là phải ghép tạng, cơ quan hiến tạng chỉ có thể lấy được từ con người.
Cho đến hiện tại, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng. Vấn đề quan trọng là phải hình thành được hệ thống ghép tạng chuyên nghiệp, minh bạch, công bằng, không vi phạm luật pháp, y đức, đây là những điều rất quan trọng cần quan tâm.
Hiện tại TP.HCM có 9 trung tâm ghép tạng chủ yếu là ghép thận, ghép từ người hiến sống, việc hiến tạng từ người chết não còn hạn chế và đang mong muốn đẩy mạnh.
Có những nơi không nhận tạng hiến vì rất nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhiều nơi vì tài chính họ không muốn giữ tạng do tốn kém chi phí.
Theo TS Thu, các nước đã quan tâm đầu tư ưu tiên cho lĩnh vực hiến ghép tạng mặc dù rất tốn kém chi phí bởi họ sẽ được hưởng lợi nhiều, dù có tiền cũng không mua được.
Theo đó, nếu không được ghép và điều trị tốt người bệnh không đi làm được, mất nhân lực của cả người thân, mất việc làm, mất thu nhập, tăng gánh nặng điều trị, gia đình và xã hội.
Sau khi ghép người bệnh có thể đi làm được, trở lại sinh hoạt bình thường, người thân có thể đi làm được, tăng thu nhập…
Ngoài ra, khi thiếu hụt nguồn cung ghép tạng, việc buôn bán tạng trái phép sẽ phát triển và hiện tại chúng ta đang bỏ lỡ mô tạng từ nguồn chết não do tai nạn giao thông, không có cơ hội tiếp cận hỏi xin họ tạng hiến.
Nguyên nhân mạng lưới hiến ghép tạng chưa phát triển, chưa có quy định khoa nào có người hiến tiềm năng, chưa báo được cho hệ thống điều phối viên…
Cả nước có hàng chục ngàn người đang đợi ghép tạng
Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết đến nay đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của bệnh viện đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn đăng ký hiến tạng.
Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam khu vực phía Nam thành lập sẽ phát triển hệ thống mạng lưới tư vấn, vận động hiến, lấy, ghép tạng từ người cho chết não có tính thống nhất trong toàn quốc.
Cả nước đang có hàng chục ngàn người chờ được ghép tạng để duy trì sự sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận