04/07/2018 11:48 GMT+7

Nhiều người sốt, choáng do nắng nóng

L.ANH
L.ANH

TTO - Những ngày gần đây, nắng nóng diễn ra gay gắt ở Hà Nội và các tỉnh miền Trung. Nắng nóng có lúc lên đến gần 40 độ C, khiến nhiều người sức khỏe vốn đã yếu nay càng yếu hơn.

Nhiều người sốt, choáng do nắng nóng - Ảnh 1.

Một người ở trong xóm chạy thận (Hà Nội) phải trùm khăn ướt lên đầu, để chậu nước trước quạt lấy hơi ẩm - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Thời tiết Hà Nội, các tỉnh Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang cao hơn trung bình hằng năm, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức trên 40 độ (thậm chí ứng dụng thời tiết trên điện thoại di động đã cảm nhận nhiệt độ ngoài trời giữa trưa 2-7 ở quận Tây Hồ lên tới trên 45 độ).

Đây là kiểu thời tiết dễ gây các chứng bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng như say nắng, hô hấp, tim mạch, đột quỵ...

Nên uống nhiều nước

Bác sĩ Trần Anh Thắng, phó giám đốc Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội, cho hay tính từ 29-6 (là những ngày nóng nhất trong mùa hè này) đến nay chưa có trường hợp cấp cứu do say nắng gọi trung tâm vận chuyển cấp cứu, nhưng đã có một số người bị sốt do nắng nóng, hoặc bị choáng sau khi đi ngoài trời nắng. Sáng 3-7, người đi đường ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội cũng đã hỗ trợ một trường hợp bị mệt do nắng nóng.

So với những ngày đỉnh điểm nắng nóng của năm 2017, năm nay ngày nóng nhất ở Hà Nội đến muộn hơn gần một tháng. Những ngày nắng nhất năm 2017 đã có hai ca tử vong ở Hà Nội và Tuyên Quang do say nắng, ba người khác phải vào viện cấp cứu do bị choáng vì nắng nóng quá mức.

Ông Thắng hướng dẫn trong những ngày nắng nóng, tùy điều kiện làm việc và thời gian tiếp cận với môi trường nắng nóng để bù nước, nhưng lượng nước sử dụng phải cao hơn so với ngày bình thường. Ông Thắng cũng cho biết nếu không có gì thật cần thiết, người dân không nên ra ngoài nắng ở thời điểm từ 10h-15h hằng ngày. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trời nắng, ông Thắng đề nghị người dân phải đội mũ, che nắng bằng áo chống nắng, khẩu trang và phải bù đủ nước để tránh hiện tượng mất nước.

Cẩn thận bệnh lý do nắng nóng

Theo bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, trẻ em, người cao tuổi và người mắc bệnh mãn tính như huyết áp, béo phì, tiểu đường là những nhóm dễ bị biến chứng nếu tiếp xúc trong thời gian dài với thời tiết nắng nóng. Bác sĩ hướng dẫn không nên đứng trong nhóm đông người trong môi trường nóng bức hoặc đứng dưới ánh nắng trực tiếp. Nên hạn chế các hoạt động cần nhiều thể lực và nếu phải hoạt động ngoài trời, cần tìm nơi râm mát để nghỉ tránh nắng sau một thời gian hoạt động ngoài trời.

Với trẻ em, nguy cơ say nắng ở trẻ dưới 4 tuổi cao hơn trẻ khác do diện tích cơ thể/cân nặng cao, với nhóm trẻ này nếu các cháu có chương trình vận động, chơi ngoài trời cần cung cấp 0,5-1lít nước/giờ/cháu, các cháu bé chưa biết tự tìm nước uống thì cha mẹ, người chăm sóc cần canh thời gian để cho trẻ uống nước, nên sử dụng quần áo nhẹ, thoáng mát và thấm mồ hôi.

Các trường hợp dễ có nguy cơ say nắng và lả nhiệt, theo bác sĩ Chính, là người lao động, tập luyện ngoài trời nắng, mặc quần áo quá dày, bí, không uống đủ nước, người già, trẻ em, người mắc các bệnh mãn tính như béo phì, rối loạn nội tiết hoặc đang sử dụng một số thuốc ảnh hưởng tới sự tiết mồ hôi. Nếu gặp tình trạng say nắng say nóng, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được chăm sóc.

nagn-nong-2(read-only)

Nắng nóng khiến trẻ em nhập viện tăng cao (ảnh chụp tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh) - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Tại Hà Tĩnh, nhiệt độ luôn ở mức 37-40 độ C. Thời tiết nắng nóng đã khiến trẻ em nhập viện điều trị bắt đầu tăng cao. Tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, có ngày cao điểm lên tới 100 bệnh nhi đến để khám, trong đó có khoảng 20% phải nhập viện điều trị. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện chủ yếu bị sốt, viêm đường hô hấp và tiêu chảy là do nền nhiệt tăng cao thất thường, vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ bị giảm…

VĂN ĐỊNH

Người bệnh mệt nhiều vì nắng nóng

Xóm chạy thận Lê Thanh Nghị hiện có 121 bệnh nhân với 60 căn phòng, phòng nhỏ nhất chưa đầy 7m2 mà rộng nhất cũng chỉ vỏn vẹn 9m2, vừa là chỗ nghỉ ngơi đủ kê một chiếc giường nhỏ, bếp nấu ăn và đồ đạc trong phòng.

Trong căn phòng rộng chưa đầy 7m2, bà Vũ Thị Niến (49 tuổi, Bắc Giang) phải dấp nước vào chiếc khăn rồi trùm lên đầu, liên tục cầm máy đo huyết áp.

"Chỉ còn cách này thôi, nắng nóng làm huyết áp không ổn định nên tôi mệt lắm. Ngày mai tôi mới chạy thận, đến bát cháo nấu từ sáng giờ ăn còn không hết", bà Niến liên tục kêu mệt và tìm đủ cách xoay trở trên chiếc giường nhỏ.

Những ngày nắng nóng cực điểm, khu bệnh nhân chạy thận càng vắng người, bệnh nhân chọn cách nán lại bệnh viện có điều hòa mát hơn ở "khu ổ chuột" này.

Chạy thận suốt 15 năm nay nhưng bà Vũ Thị Mai (51 tuổi, quê Thái Bình) nói vẫn không tài nào chống chịu được cái nắng ở Hà Nội.

Bà kể hôm trước bác sĩ phải rút ra 3kg nước khỏi cơ thể bà, nay chỉ còn 42kg. Dù được bác sĩ khuyến cáo kiểm soát chặt chẽ lượng nước đưa vào cơ thể, nhưng cũng vì mấy ngày qua nắng nóng cực đỉnh khiến bệnh nhân háo nước.

Trưa qua bà Mai từ quê lên tranh thủ vào viện bán được gần chục chai nước rồi tạt ngay về "nhà". Căn phòng của bà Mai rộng 8m2 với hai cái quạt nhỏ xíu, một cho bà và một cho đứa cháu nhỏ. "Bán xong mấy chai nước phải về luôn phòng trọ, còn chưa kịp ăn uống gì thì phải đi chạy thận tiếp, chạy ca 3 nên nắng lắm. Nắng thế này nhưng phải liều thôi, bán thêm mấy chai nước để có đủ tiền chạy thận", bà Mai nói rồi xin phép đến Bệnh viện Bạch Mai ngay cho kịp giờ.

Cách đó vài dãy trọ, bà Dương Thị Hoài (64 tuổi, quê ở Nam Định) ở trong dãy trọ vắng người. Mấy bệnh nhân vừa gửi chìa khóa phòng cho bà để đi chạy thận, có người chạy xe ôm mưu sinh giữa cái nắng cháy da thịt.

HÀ THANH

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên