13/08/2024 09:47 GMT+7

Nhiều người sợ, tại sao một số người thấy hạnh phúc khi cận kề cái chết?

'Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng tôi đang hạnh phúc hơn bao giờ hết trong cuộc đời mình', Simon Boas chia sẻ khi cận kề cái chết.

Có khá nhiều nghiên cứu cho thấy nỗi sợ cái chết là trung tâm vô thức của bản chất con người - Ảnh: Getty

Có khá nhiều nghiên cứu cho thấy nỗi sợ cái chết là trung tâm vô thức của bản chất con người - Ảnh: Getty

Simon Boas, người đã viết một bài tường thuật chân thực về việc sống chung với ung thư, đã qua đời vào ngày 15-7 ở tuổi 47. Nhưng những trải nghiệm khi cận kề cái chết của anh đã khiến nhiều người suy ngẫm.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, cựu nhân viên cứu trợ đã nói với phóng viên: "Cơn đau của tôi đã được kiểm soát và tôi vô cùng hạnh phúc. Nghe có vẻ lạ lùng khi nói như vậy, nhưng tôi đang hạnh phúc hơn bao giờ hết trong cuộc đời mình". Ít nhất, Boas đã cảm thấy hạnh phúc khi đối diện với cái chết.

Nỗi sợ cái chết nằm trong vô thức

Có khá nhiều nghiên cứu cho thấy nỗi sợ cái chết là trung tâm vô thức của bản chất con người. Một nghiên cứu trên tạp chí Psychological Science cho thấy những người cận kề cái chết sử dụng ngôn ngữ tích cực hơn để mô tả trải nghiệm của họ, so với những người chỉ tưởng tượng về cái chết. Điều này cho thấy rằng trải nghiệm về cái chết dễ chịu hơn, hoặc ít nhất không khó chịu như những gì chúng ta có thể hình dung.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, Boas đã chia sẻ một số suy nghĩ giúp anh chấp nhận tình trạng của mình. Anh đề cập đến tầm quan trọng của việc tận hưởng cuộc sống và ưu tiên những trải nghiệm có ý nghĩa, ngụ ý rằng việc thừa nhận cái chết có thể nâng cao sự trân trọng cuộc sống của chúng ta.

Dù phải chịu đựng đau đớn và khó khăn, Boas dường như vẫn lạc quan, với hy vọng thái độ của mình sẽ hỗ trợ vợ và bố mẹ anh trong những thời điểm khó khăn phía trước.

Lời nói của Boas vang vọng lại lời khuyên của triết gia La Mã Seneca: "Việc sống đủ lâu không phụ thuộc vào số năm hay số ngày, mà phụ thuộc vào tâm trí của chúng ta".

Một nhà tư tưởng gần đây bày tỏ những quan điểm tương tự là bác sĩ tâm thần Viktor Frankl. Sau khi sống sót qua trại tập trung Auschwitz, ông đã viết cuốn "Đi tìm lẽ sống" (1946), trong đó ông đặt nền tảng cho một dạng liệu pháp tâm lý hiện sinh, tập trung vào việc khám phá ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh. 

Phiên bản mới nhất của liệu pháp này là tập trung vào ý nghĩa, mang đến cho những người mắc ung thư một cách để cải thiện cảm giác về ý nghĩa trong cuộc sống.

Tìm kiếm hạnh phúc từ những điều nhỏ nhất

Trong hai nghiên cứu trên tạp chí Palliative and Supportive Care và tạp chí American Journal of Hospice and Palliative Care, những người đang cận kề cái chết đã được hỏi điều gì tạo nên hạnh phúc đối với họ. 

Chủ đề chung trong cả hai nghiên cứu là các kết nối xã hội, tận hưởng những niềm vui đơn giản như ở giữa thiên nhiên, có tư duy tích cực và một sự chuyển đổi từ việc tìm kiếm niềm vui sang việc tìm kiếm ý nghĩa và sự viên mãn khi bệnh tật tiến triển.

Johan là một ví dụ. Lần đầu tiên, anh đến phòng khám một mình với đôi chân hơi khập khiễng và trò chuyện với chuyên viên tâm lý về cuộc sống, về sở thích, các mối quan hệ và ý nghĩa. Johan có vẻ tỉnh táo, rõ ràng và lưu loát.

Lần thứ hai, anh đến với đôi nạng. Một chân bắt đầu yếu đi và anh không còn tin tưởng vào sự cân bằng của mình. Johan nói rằng việc mất kiểm soát chân là điều đáng lo ngại, nhưng vẫn hy vọng có thể đạp xe quanh núi Mont Blanc.

Khi được hỏi đang lo lắng điều gì, Johan bật khóc. Anh nói: "Tôi lo rằng tôi sẽ không kịp đón sinh nhật tháng sau". Điều khiến anh nặng nề nhất không phải là giây phút đối diện tử thần, mà là tất cả những điều anh sẽ không thể làm nữa.

Johan đến gặp chuyên viên tâm lý lần thứ ba, với sự hỗ trợ của một người bạn, không còn có thể giữ được đôi nạng. Anh kể rằng đã xem những thước phim ghi lại cảnh anh đạp xe cùng bạn bè, rồi kết luận rằng anh có thể xem các video trên YouTube về những người khác đạp xe quanh Mont Blanc.

Anh thậm chí đã đặt một chiếc xe đạp leo núi mới và đắt tiền. "Tôi đã muốn mua nó từ lâu, nhưng cứ mãi tiết kiệm", anh nói. "Tôi có thể không đạp được xe, nhưng nghĩ sẽ thật tuyệt khi có nó trong phòng khách".

Lần thăm khám thứ tư, anh ngồi trên xe lăn. Đó là lần cuối cùng anh và chuyên viên tâm lý gặp nhau. Chiếc xe đạp đã được giao, anh để nó cạnh ghế sofa. Còn một điều nữa anh muốn làm.

"Nếu có phép màu nào giúp tôi sống sót qua khỏi cơn bạo bệnh, tôi muốn tình nguyện làm việc trong dịch vụ chăm sóc tại gia, một hoặc hai ca mỗi tuần", Johan nói. "Họ làm việc rất chăm chỉ và đôi khi công việc trở nên điên rồ, nhưng họ đóng góp một cách phi thường. Nếu không có họ, tôi đã không thể rời khỏi căn hộ".

Thông thường, ở những bệnh nhân mắc các căn bệnh đe dọa tính mạng, họ có thể cảm thấy hạnh phúc, song song với nỗi buồn và những cảm xúc dường như mâu thuẫn khác. 

Trong một ngày, các bệnh nhân có thể cảm thấy biết ơn, hối hận, khao khát, giận dữ, tội lỗi và nhẹ nhõm, đôi khi tất cả cùng một lúc. Về cơ bản, đối mặt với giới hạn của sự tồn tại có thể giúp một người có góc nhìn mới và trân trọng cuộc sống hơn bao giờ hết.

Công nghệ AI mới "có thể dự đoán bất cứ điều gì", kể cả cái chếtCông nghệ AI mới 'có thể dự đoán bất cứ điều gì', kể cả cái chết

Một công nghệ trí tuệ nhân tạo mới đang được các nhà nghiên cứu khai thác, giúp mỗi người dự đoán các giai đoạn của cuộc đời, bao gồm cả cái chết hoặc mức độ thành công của họ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên