Đại diện Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hiện bệnh đái tháo đường chiếm 5,4% dân số ở người trưởng thành; 9,9% người từ 60 tuổi trở lên mắc bệnh đái tháo đường và có đến 64% số người mắc bệnh đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh.
Đây là con số đáng báo động đối với một quốc gia có 90 triệu dân như Việt Nam. Trong điều kiện nguồn lực cho y tế còn hạn chế, số bệnh nhân ngày càng gia tăng càng đòi hòi ngành y tế phải thực hiện tốt công tác dự phòng và phát hiện sớm.
Mạng lưới y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng và phát hiện sớm bệnh nhân đái tháo đường. Hiện cả nước có 645 bệnh viện huyện, 30.000 phòng khám tư nhân, 80 phòng khám bác sĩ gia đình, 10.500 trạm y tế.
Các cơ sở này phải thực hiện tốt công tác chăm sóc và quản lý bệnh nhân đái tháo đường ở cộng đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn điều trị, quy trình thực hành chăm sóc, danh mục thuốc thiết yếu… đối với bệnh đái tháo đường. Điều quan trọng là các cán bộ y tế thực hiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả điều trị và hiệu quả kinh tế cho người bệnh.
Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực có tỷ lệ tử vong do đái tháo đường tăng hơn mức tăng trung bình của toàn cầu.
Nguyên nhân chủ yếu là do có đến 70% người dân không hiểu biết các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường và cách phòng bệnh như ít vận động thể lực, hút thuốc lá, sử dụng chất cồn, thức ăn nhanh; béo phì gia tăng.
Ngoài ra, khi mắc bệnh đái tháo đường, người bệnh dễ mắc bệnh tim mạch gấp 2 đến 4 lần so với người không bị mắc. Người bệnh đái tháo đường cũng dễ mắc các biến chứng của bệnh võng mạc, loét bàn chân, béo phì, bệnh thần kinh, bệnh mạch vành…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận