04/03/2019 14:20 GMT+7

Nhiều người Indonesia tự tử vì vay nợ ‘cắt cổ’ thời công nghệ

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Nhiều người dân tại Indonesia đã vướng vào vòng xoáy cho vay thời công nghệ, để rồi phải tự tử khi khoản nợ lớn đến mức không thể chi trả.

Nhiều người Indonesia tự tử vì vay nợ ‘cắt cổ’ thời công nghệ - Ảnh 1.

Vay ngang hàng với lãi suất cắt cổ đang đẩy người dân Indonesia vào cảnh khốn cùng - Ảnh: Kr-Asia

Ngày càng nhiều nông dân ở Indonesia nhận được gói hỗ trợ tài chính thông qua hình thức (P2P) tại Indonesia.

Dịch vụ này được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư), không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng hay ngân hàng.

Theo Tổng thống Joko Widodo, đây là minh chứng cho tiến bộ về công nghệ tài chính tại Indonesia, rằng đã cắt giảm đối tượng trung gian giữa người cho vay và người đi vay.

Ông Widodo đã đúng về việc ngành tài chính tại Indonesia có tầm nhìn xa trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho những đối tượng không có ràng buộc và không được bảo lãnh, vốn chiếm 60% trong số 260 triệu dân của nước này.

Tuy nhiên, thực tế tại Indonesia có mặt trái mà Tổng thống Widodo không nhắc tới.

Vay dễ - Trả khó

Ông Widodo không đề cập đến sự phát triển thiếu kiểm soát của hình thức cho vay ngang hàng và các đối tượng cho vay, không chỉ ở Indonesia mà còn từ Trung Quốc, Singapore, Canada và Mỹ. Việc thiếu kiểm soát sẽ dẫn hình thức này đến chỗ biến tướng thành những hình thức đe dọa và quấy rối, khiến cuộc sống của người đi vay rơi vào ngõ cụt.

Theo tờ SCMP, tháng trước, một tài xế taxi tại Jakarta tự tử, để lại di thư nói rằng anh có một khoản nợ với chủ nợ cho vay ngang hàng. Anh đang bị những kẻ đòi nợ truy cùng đuổi tận và không còn khả năng trả.

Theo Viện trợ giúp pháp lý Jakarta (tổ chức phi lợi nhuận), anh tài xế chỉ nợ 500.000 rupiah, tương đương 36 USD. Anh đã rơi vào bẫy của những đối tượng cho vay trên mạng, với những lời hứa hẹn cho mượn tiền dễ dàng, rồi sau đó áp dụng lãi suất cắt cổ và phí quản lý chồng chất theo ngày.

Những đối tượng cho vay này sau đó thực hiện các phương thức đòi nợ tiêu cực, bao gồm làm phiền gia đình và bạn bè của người vay, thậm chí là quấy rối tình dục.

Mochamad Yogaswara, 29 tuổi ở Tây Java, đang gặp rắc rối sau khi vay tổng cộng 1.999 USD từ 20 người cho vay trực tuyến kể từ tháng 8 năm ngoái. Bây giờ anh nợ họ 2.210 USD, và khoản nợ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Anh trả càng lâu, nợ càng tăng.

"Tôi cần tiền để làm vốn kinh doanh - anh cho biết - Lúc đầu tôi chỉ vay 43 USD, sau đó tôi bị cuốn vào rồi mượn đến 143 USD. Cho đến khi không thể trả tiền cho người cho vay đầu tiên, tôi đi mượn người khác. Cứ như vậy, giờ tôi đang có 20 chủ nợ và không thể trả một khoản nào vì lãi suất và phí quản lý ngày càng lớn".

Họ gọi tôi ngày đêm, dùng những lời lẽ rất xúc phạm.

Mochamad Yogaswara

Cơn ác mộng của Yogaswara bắt đầu từ khi chủ nợ của anh bắt đầu đòi tiền. Các đối tượng thu nợ gọi anh hàng trăm cuộc mỗi ngày để đòi nợ. Sau đó họ gọi cho họ hàng, bạn bè anh để làm phiền, thậm chí tạo một nhóm trò chuyện trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp với tiêu đề: "Chung tay giúp Yoga trả nợ".

Một chủ nợ khác gọi cho mẹ anh Yogaswara, đe dọa nếu không trả nợ sẽ báo cảnh sát.

"Mẹ tôi rất sốc. Bạn bè tôi tức giận vì bị liên đới", anh nói.

Anh bị căng thẳng tới mức thu mình lại. Gia đình anh tưởng anh điên, mời tu sĩ đến cầu nguyện cho anh qua khỏi.

Bùng nổ

Theo số liệu từ Cơ quan dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK), tổng nợ từ hình thức cho vay ngang hàng kể từ tháng 12-2016 đến tháng 10-2018 đã lên đến hơn 1 tỉ USD, tăng 432% so với tháng 1 năm ngoái.

Ước tính đến cuối năm 2018, Indonesia có 3 triệu con nợ của hình thức này, phần lớn là đối tượng vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Và số lượng chủ nợ cho vay lên đến 5,6 triệu người, chưa tính đối tượng cho vay ẩn mình trên mạng xã hội.

"Hình thức vay P2P đang phát triển tại Indonesia vì có cầu ắt sẽ có cung", OJK cho biết.

Cuộc chiến trường kỳ

Sự thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng khiến hình thức cho vay này bùng nổ và biến tướng dễ dàng. OJK cho biết chỉ trong 1 tháng rưỡi đầu năm 2019, họ đã triệt phá 231 đơn vị cho vay trái phép.

Phần lớn các đối tượng cho vay trái phép đến từ Indonesia, 40% đến từ Trung Quốc. Khi truy dấu các máy chủ cho vay, chúng dẫn đến các máy chủ đặt tại Canada, Singapore và Mỹ. Hiện mới chỉ có 99 đơn vị cho vay ngang hàng là hợp pháp, hoạt động có đăng ký tại Indonesia.

OJK đang làm việc với các ngân hàng tại Indonesia để ngăn chặn các đối tượng cho vay trái phép này, đồng thời làm việc với Google để ngăn chặn các ứng dụng cho vay trái phép.

Tuy nhiên, OJK thừa nhận đây là cuộc chiến trường kỳ, vì nếu chặn họ làm ứng dụng mới, đồng thời tự nhận mình có giấy phép của OJK trong khi không hề có.

Chỉ trong tháng 1 vừa qua, Viện trợ giúp Pháp lý Jakarta nhận hơn 2.500 tố cáo từ 25/34 tỉnh thành của Indonesia. 80% trong số đó vay ít hơn 142 USD nhưng chịu lãi suất tối đa 4%.

Những đơn vị cho vay ngang hàng hợp pháp cho biết họ chỉ lấy lãi suất tối đa 0,8% và gia hạn trả tối đa 90 ngày sau hạn chót, đồng nghĩa với việc họ sẽ ngừng liên lạc với người đi vay sau thời hạn đó.

Các cơ quan quản lý tại nước này đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì không theo kịp với thực tế phát triển của hình thức cho vay này, qua đó gián tiếp để mặc người dân bị các đối tượng cho vay trái phép dụ dỗ và quấy rối. "Như một quả bom hẹn giờ treo trên đầu người đi vay", anh Yogaswara ví von.

Lãi suất vay mua nhà ngày càng cao, gây áp lực cho người trả nợ

TTO - Lãi suất cho vay mua nhà đang nhích lên, nhất là với những người vay mua nhà vài năm trước đây, gây áp lực không nhỏ trong việc trả nợ.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: vay ngang hàng Indonesia