25/04/2023 08:50 GMT+7

Nhiều người chờ được 'ngồi lại' với công ty bảo hiểm

Trước khi đi đến bước đường phải gửi đơn tố cáo, cầu cứu công an, nhiều người dân đã khiếu nại lên công ty bảo hiểm nhiều lần nhưng không thành, chỉ nhận về câu trả lời hời hợt, có người còn bị gây khó dễ.

Người dân đến văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nộp đơn tố giác tiền gửi tiết kiệm "hô biến" thành bảo hiểm - Ảnh: MINH HÒA

Người dân đến văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM nộp đơn tố giác tiền gửi tiết kiệm "hô biến" thành bảo hiểm - Ảnh: MINH HÒA

Không phải ai cũng "may mắn" như diễn viên Ngọc Lan. Nhiều khách hàng cho biết ngay cả việc gọi điện thoại đến đường dây nóng của công ty bảo hiểm gửi đơn khiếu nại còn phải mòn mỏi chờ đợi câu trả lời.

Vì thế, việc khách hàng được người có thẩm quyền của công ty bảo hiểm trực tiếp lắng nghe, giải quyết khiếu nại là điều hiếm có.

Tôi khiếu nại hơn nửa năm, phải chủ động đến công ty làm việc, phải chuyển từ năn nỉ sang la hét mới được họ sắp xếp vào phòng và ngồi lại giải quyết vấn đề của mình, không đơn giản. Họ thách thức lòng kiên nhẫn của khách hàng. Ai nản chí, nghĩ không "đấu" nổi với công ty bảo hiểm lớn thì sẽ bỏ cuộc.

Chị Giang (huyện Hóc Môn, TP.HCM)

Khóc lóc, kêu gào mới được ngồi với bảo hiểm

Ngay sau video diễn viên Ngọc Lan vừa khóc tức tưởi, vừa phản ảnh bị tư vấn sai về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện trên mạng xã hội, phía Công ty bảo hiểm MVI Life (trực thuộc Tập đoàn Manulife) mới rốt ráo liên hệ, sau đó công khai xin lỗi.

Từ trường hợp trên, một vấn đề được nhiều người đặt ra là các công ty bảo hiểm có nghe thấy tiếng khóc, có hết lòng đọc và giải quyết đơn khiếu nại của những khách hàng khác vốn không phải là người nổi tiếng trên mạng xã hội?

"Tôi thực sự lo lắng nếu tôi trúng vào trường hợp của Ngọc Lan, nhưng tôi không phải là người nổi tiếng", bạn đọc Long chia sẻ.

Bạn đọc Doan thì cho rằng vì Ngọc Lan là diễn viên nổi tiếng, nhiều người biết đến, công ty bảo hiểm sợ bị ảnh hưởng xấu trong cộng đồng nên mới xin lỗi.

Cũng cần lưu ý, nhiều khách hàng ở các công ty bảo hiểm khác đã và đang đăng bức xúc của mình lên mạng xã hội về việc tư vấn sai lệch về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhưng không được công ty bảo hiểm rốt ráo mời tới đối thoại trực tiếp và giải quyết thấu đáo.

Có người tới công ty bảo hiểm nhiều lần để khiếu nại, nhưng chỉ có các nhân viên ghi nhận và ghi nhận chứ không gặp được người có khả năng và quyền hạn giải quyết khiếu nại.

Chị Giang (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết vào năm ngoái có tới một ngân hàng lớn để vay vốn và thế chấp mảnh đất. Để được giải ngân khoản vay, chị phải mua tổng cộng hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với mức phí hơn 150 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, sau đó phát hiện người đại lý bảo hiểm đã tự ý làm sai quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng, nên chị quyết định khiếu nại, yêu cầu công ty bảo hiểm hủy hợp đồng và hoàn tiền.

Hành trình khiếu nại của chị Giang đầy trầy trật và gian nan, hơn nửa năm ròng phải liên tục đấu tranh, trải qua các vòng tròn luẩn quẩn: gửi đơn khiếu nại - đợi công ty bảo hiểm phản hồi - nhận câu trả lời từ chối từ công ty bảo hiểm - tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần 2, lần 3...

Quá mệt mỏi với trò đuổi bắt trên, chị tiếp tục tìm đến trụ sở công ty bảo hiểm và đòi gặp lãnh đạo cấp cao để được giải quyết khiếu nại.

Ban đầu chị dùng lời nói nhỏ nhẹ, nhưng do bị "đuổi về" với lời hứa sẽ trả lời sau nên chị đã phải hét lớn đòi gặp lãnh đạo cấp cao, đến lúc này phía công ty bảo hiểm mới lật đật đưa chị vào phòng riêng, lắng nghe và lập tức giải quyết xong khiếu nại của chị.

Đường cùng, gửi đơn tới công an

Mới đây, hàng trăm người đã gửi đơn tới văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để tố cáo Công ty TNHH Manulife và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua các nhân viên ngân hàng, đại lý bảo hiểm tư vấn mập mờ, khiến khách hàng nhầm tưởng đang tham gia sản phẩm "tiết kiệm đầu tư" để nhận về lãi cao, có thể rút linh hoạt, nhưng sau đó họ bàng hoàng nhận ra đã tham gia bảo hiểm nhân thọ, nếu hủy hợp đồng trong những năm đầu có khả năng mất trắng số tiền đã đóng, còn nếu đóng tiếp thì lại không có đủ tiền.

Cầm đơn tố cáo trên tay, chị Trâm (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết đã khiếu nại tới công ty bảo hiểm hơn nửa năm ròng nhưng kết quả vẫn là bị từ chối hoàn tiền nên "đường cùng tôi mới gửi đơn tới công an".

Trước đó, mặc dù đã gửi đơn khiếu nại nhưng công ty bảo hiểm cũng liên tục trả lời từ chối, sau đó lại đưa thêm lý do là đang trong quá trình xem xét.

Bị trì hoãn liên tục nên chị Trâm và nhiều người khác đã đồng loạt gửi mail và đặt lịch hẹn đối chất trực tiếp với lãnh đạo công ty bảo hiểm tại trụ sở.

Tuy nhiên, khi tới nơi, các khách hàng bị nhân viên công ty bảo hiểm nói đi về, hẹn dịp khác, vì người thẩm quyền không có mặt để giải quyết.

Hơn một tiếng chờ đợi, các khách hàng bắt đầu phản đối, la lớn thì công ty bảo hiểm mới cho gặp được bà C. - trưởng phòng cấp cao chiến lược kinh doanh và điều hành kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Mặc dù trong buổi làm việc này bà C. có hứa chậm nhất trong vòng một tuần sẽ có câu trả lời chính thức cho các khách hàng, kết quả có thể hài lòng một số người nhưng không phải tất cả.

Tin tưởng, khách hàng ra về, nhưng họ không nhận được câu trả lời đúng lịch hẹn. Trải qua hơn nửa năm, câu chuyện của phần lớn khách hàng vẫn không được giải quyết rốt ráo.

Chị Ngọc (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết cũng phải tìm đến công an vì mặc dù đã khiếu nại bị chuyển tổng cộng 300 triệu đồng từ tiền tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ, khẳng định bị giả chữ ký trong giấy tờ liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng phía Manulife vẫn xử lý một cách hời hợt và rập khuôn, phớt lờ các khiếu nại của khách hàng.

Với trường hợp của chị Trung Thu (quận 12), vào tháng 2-2023 chị có tới Ngân hàng SCB để đối chất trực tiếp. Trong bản tường trình, nhân viên ngân hàng thừa nhận bản thân và đại lý bảo hiểm có nghe khách hàng khai báo về bệnh viên gan B.

Nhưng sau đó khách hàng phát hiện bệnh này không được kê khai trong đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ, khách hàng hỏi vì sao không kê khai thì đại lý bảo hiểm "nói không sao, không ảnh hưởng".

Như vậy, với việc không được kê khai tình trạng sức khỏe đúng sự thật, chị Thu có rủi ro sẽ bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường.

Dù đưa bản tường trình này cho phía công ty bảo hiểm nhưng chị Thu vẫn chỉ nhận về lời từ chối hoàn tiền, chứ không được công ty bảo hiểm cho gặp mặt trực tiếp để đối chất và giải quyết rõ ràng vấn đề.

Ngọc Lan cũng trầy trật trước khi lên mạng

Trên thực tế, Ngọc Lan cũng không dễ nhận được lời xin lỗi trên. Trước đó, cô cho biết đã phải trầy trật khiếu nại với công ty bảo hiểm nhân thọ, có lúc đi cùng luật sư nhưng cũng không giải quyết được vấn đề.

Tại buổi gặp gỡ báo chí, cô cũng khẳng định bức xúc đã kéo dài lâu (hơn hai năm), không phải bột phát. Như vậy, cho tới khi đẩy thông tin lên mạng xã hội, kèm lợi thế là người nổi tiếng, phản ảnh của cô đã nhận được lượng tương tác "khủng". Từ đó, công ty bảo hiểm nhân thọ mau mắn làm việc với cô.

Thiếu thiện chí thì làm hư hai chữ bảo hiểm

TS Phan Phương Nam - phó khoa luật thương mại Trường đại học Luật TP.HCM - cho biết thông thường khi nhận được khiếu nại của khách hàng, các doanh nghiệp cần phân ra các cấp độ xử lý dựa vào nội dung khiếu nại.

Chẳng hạn, nếu nội dung đơn giản, dễ giải quyết thì doanh nghiệp có thể đưa cho đại lý bảo hiểm đang chăm sóc hợp đồng làm việc với khách hàng.

Trường hợp vấn đề phức tạp hơn, cần kiểm tra chéo các thông tin thì cần đưa cho cấp cao hơn của phòng chăm sóc khách hàng, phòng pháp chế hoặc các phòng chức năng khác có thẩm quyền xử lý, thay mặt doanh nghiệp trao đổi với khách hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải có thiện chí để tổ chức buổi gặp mặt trực tiếp, lắng nghe, ghi nhận và giải quyết khiếu nại cho khách hàng.

Trong buổi này, nên cố gắng giải quyết xong càng nhiều vấn đề càng tốt. Điều gì chưa xử lý được ngay thì để lại, chờ cấp cao hơn giải quyết hoặc chờ điều tra thêm.

Việc gặp gỡ, ngồi lại với khách hàng cũng giúp củng cố uy tín doanh nghiệp. Nếu khách hàng muốn gặp, muốn giải quyết trong êm đẹp mà doanh nghiệp bảo hiểm không tổ chức gặp thì đã thể hiện việc thiếu thiện chí.

Do không thể hòa giải nên việc khách hàng mang đơn đi kiện, cầm đơn tố cáo tới công an là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, ông Ngô Trung Dũng - phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - cho biết mặc dù không nắm rõ quy trình giải quyết khiếu nại của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng bên cạnh việc trả lời qua email và công văn, ông tin rằng từ nay nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẵn sàng tiếp nhận khiếu nại bằng cách ngồi lại để lắng nghe các trao đổi của khách hàng.

Trong trường hợp nghiêm trọng, có yếu tố lừa đảo, doanh nghiệp cần có bước xác minh, cần thiết sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan công an.

Ba năm, hơn 9.000 đại lý bảo hiểm vào "danh sách đen"Ba năm, hơn 9.000 đại lý bảo hiểm vào 'danh sách đen'

Trong vòng ba năm nay, có tổng cộng hơn 9.000 đại lý bảo hiểm đã bị đưa vào danh sách xử phạt ('black list' - danh sách đen).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên