Tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), người dân phải chèo bè để di chuyển do nước dâng cao - Ảnh: DOÃN HÒA |
Hà Tĩnh mưa trắng trời, dân hối hả chạy lụt
Đến chiều 15-10, mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống Hà Tĩnh khiến hàng ngàn hộ dân bị ngập, người dân phải hối hả di chuyển tài sản chạy lụt.
Ông Đặng Ngọc Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cùng đoàn công tác đã đến các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà để kiểm tra tình hình lũ lụt và chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương ứng phó, hỗ trợ người dân phòng chống thiên tai, khắc phục thiệt hại do mưa lũ.
Tại xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên), do mưa lớn kéo dài từ chiều tối 14-10 đến sáng 15-10 khiến 7 thôn, xóm bị nước lũ cô lập, chia cắt hoàn toàn. Việc di chuyển của người dân chủ yếu bằng thuyền hoặc bè được đóng từ cây chuối và gỗ.
Khuôn viên Trường tiểu học xã Cẩm Vịnh cũng bị nước ngập sâu hơn 1m. Trong sáng 15-10, giáo viên, học sinh nhà trường nhanh chóng di dời đồ dùng học tập, bàn ghế lên cao để tránh ngập.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh, đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây làm người dân địa phương không kịp trở tay.
Ông Phạm Đăng Nhật, chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, cho biết trong khi sang giúp hàng xóm kê đồ tránh lũ, anh Trần Văn Trung (34 tuổi, ngụ xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên) bị nước cuốn trôi.
Theo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, trong ngày 15-10, có gần 60.000 học sinh tại hơn 80 trường ở bậc THCS và THPT trên địa bàn Hà Tĩnh phải nghỉ học do mưa lũ.
Nước dâng ngập hơn 1m tại xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) làm ngập chiếc xe đạp của người dân để ở sân nhà - Ảnh: DOÃN HÒA |
Chị Nguyễn Thị Thương, ngụ xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), đưa đàn gà lên cao tránh lũ - Ảnh: DOÃN HÒA |
Nhóm trẻ ở xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) mạo hiểm đi trên đường làng đã ngập đến đầu gối - Ảnh: DOÃN HÒA |
Trường tiểu học xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ngập hơn nửa người - Ảnh: DOÃN HÒA |
Một tuyến phố ở TP Hà Tĩnh bị cấm đường do nước ngập sâu chiều 15-10 - Ảnh: DOÃN HÒA |
Nghệ An: hai người chết do mưa lũ?
Chiều 15-10, ông Nguyễn Văn Trạch, chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), cho biết các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm được thi thể ông Nguyễn Vĩnh Hà (45 tuổi, ngụ xóm 16, xã Mỹ Thành) bị nước lũ cuốn trôi.
Trước đó, ông Hà đi qua một đập tràn trên địa bàn xã thì bị nước chảy xiết cuốn trôi. Gần một giờ tìm kiếm lực lượng cứu nạn tìm thấy thi thể ông Hà cách vị trí bị nước cuốn trôi khoảng 30m.
Trước đó, sáng 15-10, em Phạm Ngọc Hoàng (13 tuổi, ngụ xã Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An), học sinh lớp 8B Trường THCS Nam Kim, khi đi qua đường liên thôn thì cũng bị nước lũ tràn qua cuốn trôi.
Theo văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Nghệ An, mưa lớn làm nhiều tuyến tỉnh lộ, quốc lộ 15, quốc lộ 46 và nhiều cầu tràn bị ngập sâu, ách tắc giao thông; hơn 6.000ha lúa, ngô và rau màu các loại bị ngập.
Trong sáng 15-10, ông Đinh Viết Hồng, phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương tăng cường tiêu úng, chống ngập lụt, đặc biệt là tiêu úng cho TP Vinh.
Dù hoạt động bơm từ đêm 14-10 nhưng 3 trạm bơm tiêu úng của TP Vinh (Nghệ An) vẫn không xử lý kịp, gây ngập úng cục bộ tại nhiều tuyến phố chính.
Mưa lớn làm tuyến đường Nguyễn Văn Cừ - một trong những tuyến phố chính của TP Vinh - ngập sâu hơn 0,5m sáng 15-10 - Ảnh: DOÃN HÒA |
Quảng Bình: nhiều tàu trôi ra biển trong đêm
Đến chiều 15-10, nhiều ngư dân tại xã Cảnh Dương vẫn chưa thể tìm thấy tàu của mình bị nước cuốn trôi khi đang neo tại cửa sông Roòn.
UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết trận mưa lũ sáng sớm đã giật đứt dây neo và cuốn trôi nhiều tàu thuyền của ngư dân xã này ra biển.
Một số chiếc đã va vào nhau và chìm ngay tại cửa sông Roòn cách nơi neo khoảng 500m. Một số khác bị trôi thẳng ra biển mất tích.
Cả ngày 15-10 trời vẫn tiếp tục mưa to, nước chảy mạnh nên ngư dân vẫn chưa thể cho tàu ra biển tìm kiếm những tàu mất tích.
Hiện chưa tính chính xác được có bao nhiêu tàu bị trôi.
Theo quan sát của chúng tôi, đã có khoảng trên dưới 5 xác tàu chồng vào nhau vỡ và chìm ngay tại cửa sông. Ngư dân cho biết do các tàu này vừa va vào nhau khi bị cuốn vừa bị mắc cạn.
Theo ngư dân, khoảng 2g sáng, mưa to, gió lớn và nước chảy mạnh dồn các tàu vào nhau. Nhiều chủ tàu chặt dây neo cứu tàu nhưng không thành.
Chiều 15-10, nước còn chảy quá mạnh nên nhiều ngư dân xã Cảnh Dương chỉ biết ra đứng nơi cửa sông chờ tin tàu mình - Ảnh: QUỐC NAM |
Một cụm bốn, năm chiếc tàu bị nước cuốn va vào nhau và chìm ngay tại cửa sông Roòn - Ảnh: QUỐC NAM |
Chuyển hơn 1.000 khách đi tàu ra khỏi vùng lũ lụt
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết đến 15g ngày 15-10 hơn 1.000 hành khách trên các đoàn tàu bị mắc kẹt đã được đưa ra khỏi khu vực lũ lụt an toàn.
Số hành khách này thuộc 10 đoàn tàu chở khách bị kẹt dọc đường từ ngày 14-10 do mưa lũ làm ngập, hư hại đường sắt. Riêng 12 đoàn tàu chở hàng vẫn nằm dọc đường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ từ hiện trường, ông Đới Sỹ Hưng, phó tổng giám đốc ĐSVN, cho biết ngành đường sắt đã huy động hơn 1.000 công nhân từ nhiều đơn vị cùng máy móc thiết bị khắc phục sự cố theo hai hướng từ Quảng Bình ra và từ Hà Tĩnh vào. Đến tối 15-9 đã khắc phục được 110km đường sắt bị sạt lở, hư hại. Nhưng vẫn còn 90km nữa chưa khắc phục xong, trong đó có 20km còn bị ngập nước chưa khảo sát được.
Bà Phùng Thị Lý Hà, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết do đường sắt bị ách tắc đoạn Hà Tĩnh - Quảng Bình nên trong ngày 15-10 ngành đường sắt đã dừng chạy tàu Thống Nhất SE 1 và SE 5. Chỉ chạy tàu SE 3, SE 19 và tàu NA1 từ Hà Nội đến Vinh và ngược lại. Vì vậy, hành khách đã mua vé chặng đi tàu từ Hà Nội quá ga Vinh sẽ được trả vé miễn phí.
Những đoạn đường sắt bị nước cuốn trôi, nền đường được khắc phục tạm nhằm thông tàu trong thời gian sớm nhất - Ảnh: ĐSVN |
Quân đội đưa canô chở khách trên tàu SE19 bị kẹt tại ga Lệ Sơn
Khoảng 17g ngày 15-10, 132 hành khách, trong đó có 96 khách nước ngoài, trên tàu SE 19 (đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng) bị kẹt tại ga Lệ Sơn (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) từ ngày 14-10 đã được tăng bo ra khỏi ga.
Số hành khách này sẽ tiếp tục được đưa vào ga Đông Hà bằng ôtô và từ ga Đông Hà sẽ đi tàu vào ga Đà Nẵng, kết thúc hành trình.
Để hoàn thành việc tăng bo số khách này, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình đã chở ba canô từ Đồng Hới lên xã Cảnh Hóa bằng đường bộ, sau đó đưa khách qua 2km trên sông Gianh từ ga Lệ Sơn về lại trung tâm xã Cảnh Hóa và vào Đông Hà.
Hành khách mắc kẹt tại ga Lệ Sơn - Ảnh: L.GIANG |
Du khách nước ngoài được đưa khỏi ga Lệ Sơn - Ảnh: L.GIANG |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Lê Minh Ngân (bìa trái) thăm hỏi du khách nước ngoài trên tàu SE 19 - Ảnh: L.GIANG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận