Rạng sáng ngày 3-5 (giờ địa phương), hai máy bay không người lái bay trên bầu trời Matxcơva. Dường như mục tiêu là tấn công Điện Kremlin, nơi ở chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đột nhiên, ngay khi một máy bay lướt qua lá cờ Nga tung bay trên đỉnh tòa nhà, nó phát nổ. Những mảnh vỡ bốc cháy rồi rơi xuống.
Điện Kremlin có hệ thống phòng không mạnh
Đoạn video ghi lại vụ tấn công xuất hiện vào sáng sớm ngày 3-5. Nhưng Điện Kremlin phản ứng chậm chạp và đưa ra một tuyên bố cáo buộc đây là một "cuộc tấn công khủng bố có kế hoạch" của Ukraine với sự chống lưng của Mỹ nhằm ám sát ông Putin.
Trong khi đó, Ukraine lại phản ứng rất nhanh, khi bác bỏ cáo buộc này. Mỹ sau đó đưa ra tuyên bố tương tự.
Điều khiến giới quan sát bối rối hơn là Nga nhanh chóng phát hình ảnh ông Putin đang làm việc bình thường tại Điện Kremlin sau khi suýt bị ám sát.
Nhiều tháng trước, chính quyền Nga đã bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng không trên Bộ Quốc phòng và các tòa nhà hành chính trên khắp Matxcơva.
Điện Kremlin là một trong những khu phức hợp chính phủ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Biên giới của Nga với Ukraine cũng được bảo vệ.
"Nếu đây là những máy bay không người lái từ Ukraine, làm thế nào chúng tránh sự phát hiện? Hệ thống phòng thủ của Matxcơva không thể ngăn được chúng?
Thậm chí còn đáng xấu hổ hơn đối với Điện Kremlin: làm thế nào mà máy bay không người lái lại đến gần Điện Kremlin như vậy?", nhà phân tích Jill Dougherty của Đài CNN đặt ra các câu hỏi.
Theo bà Dougherty, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là cơ hội để Điện Kremlin tập hợp sự ủng hộ dành cho ông Putin.
"Nga có khả năng dàn dựng cuộc tấn công này nhằm để người dân thấy chiến tranh ở gần kề hơn và tạo điều kiện cho một sự huy động xã hội rộng lớn hơn", Đài CNBC dẫn lời các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) đánh giá.
Nghi vấn về đoạn video
Nhiều ý kiến cũng đặt nghi vấn về đoạn video ghi lại vụ việc, như làm sao trùng hợp có người quay lại khoảnh khắc này, hay phản ứng đồng bộ như "đã chuẩn bị trước" của Điện Kremlin sau đó.
"Mọi người nên ngừng nói về điều này như một âm mưu ám sát chống lại Putin. Vì điều này đúng với ý của Điện Kremlin", nhà phân tích chính trị Mark Galeotti nói, cho rằng ông Putin thật ra rất hiếm khi đến Điện Kremlin chứ chưa nói ngủ lại.
Trong khi đó, Nga đến nay vẫn khẳng định thủ phạm là Ukraine và sẽ có biện pháp đáp trả. Ngày 4-5, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết Nga có cơ sở là thông tin tình báo để cáo buộc như vậy.
"Đó là dữ liệu chúng tôi có, dữ liệu do các đặc vụ của chúng tôi thu được", Đài Russia Today dẫn lời ông Peskov.
Người phát ngôn của Nga tuyên bố chắc nịch rằng cả Ukraine và Mỹ đều liên quan đến vụ việc, và Washington đã chỉ đạo Kiev tấn công mục tiêu nào, bằng phương tiện gì.
"Những nỗ lực bác bỏ điều này, của cả Kiev và Washington, là hoàn toàn nực cười. Chúng tôi biết rất rõ rằng các quyết định về những hành động tấn công khủng bố như vậy không được đưa ra ở Kiev, mà ở Washington", ông Peskov nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận