19/09/2020 08:00 GMT+7

Nhiều Ngân hàng thay đổi cấu trúc sau COVID-19

T.D.V
T.D.V

Dịch bệnh COVID-19 đã ngăn cản các ngân hàng tiếp cận khách hàng mới theo cách truyền thống, nhưng cũng là động lực cho sự thay đổi cấu trúc mới, và một cuộc đua giành thị phần mới của các ngân hàng với công nghệ số là nền tảng.

Thay đổi cấu trúc hậu COVID-19

"Số hóa gia tăng trên toàn hệ thống trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, cùng với hỗ trợ của NHNN, khách hàng đã nhanh chóng chấp nhận kênh giao dịch trực tuyến/số hóa trong giai đoạn COVID-19".

Đó là nhận định của các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đưa ra trong bản báo cáo được công bố đầu tháng này về hoạt động của các ngân hàng Việt Nam trong năm 2020.

Theo báo cáo này, dịch bệnh COVID-19 đã có những ảnh hưởng xấu tới triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng trong năm 2020. Tuy vậy, những khó khăn đó lại trở thành một chất xúc tác dẫn đến một sự "thay đổi cấu trúc ngành sau COVID-19."

Nhiều Ngân hàng thay đổi cấu trúc sau COVID-19 - Ảnh 1.

Kênh giao dịch phát huy lợi thế trong thời dịch

"Kênh số hóa giúp giảm bớt tầm quan trọng của mạng lưới chi nhánh trong khi đẩy mạnh vai trò các sản phẩm tài chính đa dạng nhằm thu hút huy động, đặc biệt là CASA từ phân khúc bán lẻ. Trong tương lai, chúng tôi ước tính tốc độ mở các văn phòng giao dịch mới sẽ chậm lại và các ngân hàng có nền tảng kỹ thuật số tốt và/hoặc áp dụng chính sách miễn phí đang chiếm nhiều thị phần CASA hơn", báo cáo của SSI viết rõ, đồng thời đưa ra hai cái tên là TPBank và Techcombank như là những ví dụ điển hình cho những ngân hàng có nền tảng kỹ thuật số tốt.

Đúng như nhận định của SSI, song song với việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, chuyển đổi số các dịch vụ, sản phẩm tài chính là một trong những ưu tiên của nhiều ngân hàng trong những năm trở lại đây.

Vì vậy, tỷ lệ giao dịch qua kênh ngân hàng số và ngân hàng tự động nhìn chung đang lấn át dần tỷ lệ giao dịch theo cách truyền thống tại quầy.

Đơn cử như tại TPBank, tỷ lệ số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch đã tăng từ 72% cuối năm 2018 lên 83% ở thời điểm cuối tháng 6/2020. Tỷ lệ giá trị giao dịch trong cùng thời điểm cũng đã tăng từ 66% lên 72%.

"Chúng tôi kiên định với mục tiêu trở thành một ngân hàng số, cố gắng đồng nhất các trải nghiệm khách hàng để khi họ giao dịch trên bất cứ một kênh nào từ số, điểm giao dịch, LiveBank đều có trải nghiệm giống nhau, dần dần chỉ cần ngồi tại nhà, họ có thể làm được mọi giao dịch với ngân hàng", ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, chia sẻ về mục tiêu chiến lược của ngân hàng.

Hướng dẫn sử dụng App TPBank

eKYC là chìa khóa mở rộng thị phần

Quay trở lại thời gian cách đây vài tháng, thì điều mà khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà vẫn có thể làm được mọi giao dịch với ngân hàng, như ông Hưng nói, vẫn là điều bất khả thi.

Nhưng với công nghệ định danh khách hàng điện tử (eKYC) của một vài ngân hàng đi đầu về công nghệ số như TPBank triển khai cách đây một tháng, mong muốn đó đã trở thành hiện thực.

Nhiều Ngân hàng thay đổi cấu trúc sau COVID-19 - Ảnh 3.

Khách hàng TPBank có thể mở tài khoản ở bất cứ đâu nhờ công nghệ eKYC

eKYC là phương thức xác thực danh tính khách hàng qua các thiết bị điện tử như điện thoại di động, hoặc hệ thống ngân hàng tự động LiveBank của TPBank.

Thay vì việc khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để thực hiện các biện pháp xác thực truyền thống như trình diện và đối chiếu các loại giấy tờ tùy thân khá phiền phức, e-KYC cho phép khách hàng không cần gặp mặt trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại thông qua đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về danh tính người dùng, xác thực dạng sinh trắc học thông qua vân tay, khuôn mặt, mống mắt… với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngay trong tháng đầu triển khai eKYC, TPBank đã thu hút hơn 30.000 khách hàng đăng ký mở tài khoản mới tại ngân hàng thông qua phương thức này. Điều đó cho thấy công nghệ này đã nhanh chóng đáp ứng đúng nhu cầu tiện lợi, nhanh chóng và an toàn của khách hàng.

Số khách hàng đăng ký mở tài khoản qua eKYC tương đương với 85% số lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank theo cách truyền thống.

Quan trọng hơn, con số đó cho thấy TPBank có thể dễ dàng tiếp cận, mang dịch vụ ngân hàng tới hơn 30.000 khách hàng mới ở khắp mọi miền đất nước mà không phải đầu tư thêm vào việc mở rộng mạng lưới chi nhánh.

Trong báo cáo gần đây phân tích về lợi ích của eKYC, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả tại Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh rằng, eKYC là một xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế và hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

"Bởi lẽ, dù sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số có phát triển đến đâu mà khách hàng vẫn phải đến ngân hàng gặp mặt trực tiếp để mở tài khoản, thì có lẽ đó là cách số hóa "nửa vời" và càng khó có thể chấp nhận trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh phát triển kinh tế số và thanh toán không dùng tiền mặt," nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo.

Một nghiên cứu của McKinsey thực hiện năm ngoái cho thấy, triển khai eKYC có thể giúp giảm 90% chi phí đăng ký khách hàng tại các ngân hàng. Không những vậy, eKYC góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân.

Khi eKYC được áp dụng thì những trở ngại, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn sẽ được xóa nhòa.

Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, vì giao dịch qua ngân hàng số sẽ loại bỏ nguy cơ lây nhiễm

Như vậy, với eKYC, quá trình thay đổi cấu trúc ngân hàng như SSI dự đoán sẽ được đẩy nhanh hơn, tốc độ mở rộng các phòng giao dịch sẽ chậm lại, và tỷ lệ khách hàng mới được các ngân hàng tiếp cận qua kênh số hóa sẽ ngày càng tăng.

Tổng giám đốc Nguyễn Hưng của TPBank cho biết, trong thời gian tới, thông qua công nghệ eKYC, ngân hàng này sẽ hướng đến mở rộng thị phần ở cả những nhóm khách hàng ở xa các thành phố lớn và khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, nhằm mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Tất nhiên, nhóm khách hàng trẻ tuổi, yêu thích sử dụng công nghệ trong mọi hoạt động hàng ngày cũng sẽ là đối tượng phục vụ của ngân hàng.

Nhưng chắc chắn một điều, sự cạnh tranh để mở rộng thị phần qua công nghệ sẽ không hề dễ dàng. Các ngân hàng đều nhận ra lợi ích của việc thay đổi cấu trúc sang số hóa, và đều đã tham gia cuộc đua.

Ngay cả những ngân hàng lớn, vốn xưa nay dựa nhiều vào hoạt động kinh doanh truyền thống, như Vietcombank hay BIDV cũng đã phát động các chiến dịch chuyển đổi số. Song song với đó là cuộc đua giữa những cái tên quen thuộc như TPBank, VPBank, Techcombank hay BIDV.

Kết quả, giống như Công ty Chứng khoán SSI nhận định trong bản báo cáo gần đây, lợi thế mở rộng thị phần đang nằm ở những ngân hàng có nền tảng số tốt hơn, như TPBank.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên