FiinRatings vừa công bố báo cáo tình hình trái phiếu doanh nghiệp, qua đó chỉ ra những rủi ro thị trường này phải đối mặt khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đang tăng trở lại.
Nhiều trái phiếu doanh nghiệp được trả lãi suất cao hơn 13%?
Theo báo cáo, môi trường lãi suất quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng cổ phần tư nhân đã tăng bình quân 19 và 17 điểm (cơ bản trong tháng 5 và tháng 6).
Điều này theo đơn vị xếp hạng tín nhiệm, sẽ làm cho các trái phiếu doanh nghiệp có cơ chế lãi suất thả nổi có rủi ro cao hơn.
"Bởi thực tế Việt Nam vẫn duy trì thông lệ xác định lãi suất trái phiếu trên phần bù rủi ro của lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng lớn", FiinRatings chỉ ra.
Dữ liệu cũng chỉ ra rằng nhóm trái phiếu ngân hàng có tỉ suất lợi tức dao động từ 5-7%, trong khi nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng có tỉ suất lợi tức từ 7-13%.
Thậm chí, một số mã trái phiếu phi ngân hàng với lợi tức cao hơn nhiều mức phổ biến, cho thấy thị trường thứ cấp đang ngày càng phản ánh mức độ rủi ro vào việc định giá lãi suất trái phiếu trên thị trường, báo cáo nhận định.
Song ở chiều ngược lại, FiinRatings cũng cho rằng đây sẽ là một trong các chất xúc tác để doanh nghiệp đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu dài hạn với mức lãi suất cố định nhằm tận dụng môi trường lãi suất thấp cũng như giảm rủi ro lãi suất.
Áp lực trả nợ cao trong 2 quý cuối năm
Ngoài lãi suất, rủi ro mất giá đồng VND cũng là một trong những vấn đề được tổ chức xếp hạng tín nhiệm đề cập khi nhắc tới triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo FiinRatings, tỉ giá tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 và áp lực giảm giá VND vẫn còn lớn trước thực tế bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
"Môi trường lãi suất quốc tế chưa thể giảm nhanh và mạnh dẫn đến sự kém hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư gián tiếp và trạng thái tài khoản vốn của Việt Nam", FiinRatings chỉ ra.
Tuy nhiên đơn vị này kỳ vọng việc kiểm soát thị trường vàng và các biện pháp mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua cũng sẽ góp phần ổn định tỉ giá trong khoảng thời gian tới.
Theo dữ liệu được FiinRatings tổng hợp, thị trường sơ cấp trong tháng 5-2024 chứng kiến tăng trưởng mạnh với tổng giá trị phát hành đạt 23.200 tỉ đồng.
Lượng phát hành chủ yếu đến từ các tổ chức tín dụng, trong khi nhóm bất động sản giảm 30,3% so với tháng trước.
Tận dụng mặt bằng lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu trung dài hạn để đảm bảo các tỉ lệ an toàn của Ngân hàng Nhà nước, cũng như để chuẩn bị nguồn vốn khi tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng hồi phục trong nửa cuối năm.
Dữ liệu cũng cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục ở mức cao vào quý 3 và quý 4-2024, với ngành bất động sản chiếm 64% tổng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải xin giãn hoãn thanh toán nợ và điều chỉnh kế hoạch mua lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận