Thanh toán bằng ứng dụng điện tử ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cùng với đầu tư cho các giao dịch tại quầy, thời gian qua các NH cũng đầu tư mạnh cho kênh Internet banking và mobile banking (dịch vụ NH trên điện thoại di động). Tuy nhiên, kênh thanh toán qua ứng dụng trên di động (app) đang được đầu tư mạnh mẽ hơn.
Có mobile banking vẫn làm app
Ông Nguyễn Minh Tâm - phó tổng giám đốc Sacombank - cho biết mobile banking hướng tới việc cung cấp dịch vụ tương đương như giao dịch tại quầy, trong đó có các giao dịch có giá trị tương đối lớn nên tính chất bảo mật cao, khách hàng phải thực hiện các thủ tục đăng ký tại quầy, đăng ký cả tên đăng nhập, mật mã.
Trong khi đó, người dùng có thể tải ứng dụng thanh toán (app) về và có thể liên kết với tài khoản, thẻ của NH khác để thanh toán các giao dịch nhỏ lẻ, mang tính chất tức thời. "Nói cách khác, app giống như ví điện tử nhưng có nhiều tính năng hơn, dùng để thanh toán cho các giao dịch nhỏ lẻ" - ông Tâm nói.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy rất nhiều NH đã tung ra các ứng dụng như Vietcombankpay, Sacombankpay, BIDV Pay+... nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Thông qua các ứng dụng này, người dùng có thể ngồi tại nhà mà vẫn thanh toán các món nhỏ hoặc định kỳ như tiền điện, nước, nạp tiền điện thoại và còn có thể hưởng nhiều khuyến mãi cũng như tích lũy điểm thưởng...
Nhiều người cũng cho biết so với dịch vụ Internet banking và mobile banking, thanh toán qua app thuận tiện và đơn giản hơn, ngay từ thao tác đăng nhập. Ngoài ra, hầu hết NH đang miễn phí sử dụng app cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ NH điện tử. Gần đây mới chỉ có một NH thu phí với mức thu khoảng 11.000 đồng/tháng nếu trong tháng đó khách hàng có phát sinh giao dịch trên app.
Nhiều "tay chơi" lớn nhập cuộc
Không chỉ các NH, thị trường thanh toán di động ngày càng sôi động hơn khi có sự tham gia của các "tay chơi" lớn với tiềm lực tài chính mạnh đứng sau. Công ty CP VinID, thành viên của Tập đoàn Vingroup, vừa hoàn tất thủ tục mua cổ phần của People Care - đơn vị sở hữu ví điện tử MonPay. Trước đó, năm 2018 Grab đã rót vốn vào ví điện tử Moca để phát triển thanh toán thông qua ứng dụng này.
NH Nhà nước cũng đã trình Thủ tướng cho các doanh nghiệp viễn thông đã được NH Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán triển khai thí điểm Mobile Money, bản chất là eMoney - ví điện tử nhưng không có tài khoản NH với hạn mức thanh toán dự kiến là 10 triệu đồng/tháng. Với Mobile Money, người dùng có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động, chuyển, nhận tiền.
Ông Phạm Tiến Dũng - vụ trưởng Vụ Thanh toán, NH Nhà nước - cũng cho hay hướng tới đây NH Nhà nước sẽ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt mà trọng tâm là thanh toán trên di động, với mục tiêu là khách hàng phải được trải nghiệm và được mang lại lợi ích tốt nhất.
Dẫn số liệu trong năm 2018 giao dịch thanh toán qua kênh Internet là hơn 255 triệu giao dịch và giao dịch thanh toán qua kênh điện thoại di động là hơn 185 triệu giao dịch, ông Dũng cho biết xét về tốc độ tăng trưởng, thanh toán qua di động đang tăng nhanh hơn các kênh khác.
Rào cản do thói quen
Theo khảo sát của tổ chức thẻ Visa, người tiêu dùng Việt Nam đã có những thay đổi tích cực trên thị trường thanh toán, mang theo tiền mặt ít hơn và chọn thanh toán qua thẻ hoặc qua di động.
Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thanh toán qua di động vì dân số hơn 90 triệu người với phần lớn là người trẻ. Khoảng một nửa dân số được tiếp xúc nhiều với Internet và hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các hình thức thanh toán mới khai phá.
Thế nhưng trên thực tế vẫn còn một tỉ lệ người dùng còn e ngại với phương thức thanh toán mới vì nhiều lý do, trong đó có lý do an toàn. Quyền tổng giám đốc NH An Bình Phạm Duy Hiếu cho hay việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được Chính phủ đẩy mạnh đến với từng người dân, nhưng vẫn gặp nhiều rào cản do thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân.
Để thay đổi thói quen này và điều hướng người dùng chuyển đổi sang NH số, theo ông Phạm Duy Hiếu, cần có một lộ trình nhưng nếu không nhanh chân sẽ mất cơ hội. Thêm vào đó, một khó khăn chung của những giải pháp công nghệ hiện nay là những rào cản về mặt pháp lý mà các NH đang phối hợp với cơ quan nhà nước để tháo gỡ trong quá trình áp dụng những công nghệ mới.
Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hướng đến Ngày không tiền mặt 16-6, Ngân hàng Nhà nước, báo Tuổi Trẻ cùng các đơn vị tổ chức hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”, diễn ra vào ngày 11-6 tại khách sạn Vinpearl Luxury Landmark 81 (TP.HCM), với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành trung ương và địa phương.
Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách sẽ cùng nhìn lại chặng đường thực hiện đề án phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và nghị quyết 02 năm 2019 của Chính phủ... Các cá nhân và tổ chức quan tâm đến chương trình hội thảo, có thể gửi mail về địa chỉ ngaykhongtienmat@ tuoitre.com.vn để đăng ký tham dự.
H.NHUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận