18/12/2018 17:22 GMT+7

Nhiều ngân hàng không đồng ý trả hàng ngàn tỉ cho ngân hàng Xây Dựng

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Bị thu hồi hàng ngàn tỉ đồng, các ngân hàng đồng loạt "phản pháo" cho rằng các số tiền này không phải tang vật của vụ án và không có cơ sở thu hồi số tiền này để trả cho ngân hàng Xây Dựng.

Nhiều ngân hàng không đồng ý trả hàng ngàn tỉ cho ngân hàng Xây Dựng - Ảnh 1.

Các bị cáo trong phiên tòa - ẢNH: TUYẾT MAI

Ngày 18-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng Xây Dựng (VNCB).

Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên thu hồi hàng ngàn tỉ đồng từ nhiều nguồn khác nhau được xác định là tang vật vụ án gồm hơn 1.600 tỉ đồng của BIDV, hơn 200 tỉ đồng của Sacombank, 3,1 tỉ đồng của TPBank, hơn 194 tỉ đồng của ông Trần Quí Thanh, 600 tỉ đồng của bà Hứa Thị Phấn….

Tại tòa, đại diện ngân hàng Xây Dựng Việt Nam CB (tiền thân là VNCB) cho rằng việc tăng vốn điều lệ bằng số tiền 4.500 tỉ đồng không phải là một giao dịch sân sự đơn thuần nên việc áp dụng thêm Bộ luật dân sự để làm cơ sở thu hồi số tiền này từ CB trả lại cho Phạm Công Danh như phán án sơ thẩm là chưa đủ cơ sở.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ngân hàng BIDV cho rằng Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT của cả VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo Danh đã chủ động chỉ đạo các lãnh đạo và nhân viên thực hiện hành vi cố ý làm trái, gây thiệt hại cho chính VNCB. 

Hành vi vi phạm của ông Danh và hậu quả thiệt hại của VNCB có mối quan hệ nhân quả, BIDV không có lỗi trong hành vi phạm tội của bị cáo. 

Theo luật sư, luật quy định người phạm tội phải bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Do vậy, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là ông Phạm Công Danh. Việc án sơ thẩm quyết định thu hồi số tiền này từ BIDV là không đúng đối tượng, không có căn cứ pháp lý.

Tương tự, luật sư bảo vệ cho ngân hàng Agribank và ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) đều cho rằng quá trình thẩm định, cho vay, giải ngân và tất toán các khoản vay giữa hai đơn vị này và các pháp nhân, cá nhân do Phạm Công Danh lập ra là đúng quy định của pháp luật, đúng với nghiệp vụ ngân hàng.

Luật sư cho rằng không có quy định nào yêu cầu phải xác minh nguồn tiền tất toán khoản vay. Các giao dịch này là hợp pháp, ngay tình, phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 nên không thể xem là vật chứng nên không có cơ sở để thu hồi lại tiền từ Agribank và Oceanbank.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Quí Thanh (nhóm Tân Hiệp Phát) cho rằng cho rằng số tiền 194 tỉ bị cấp sơ thẩm thu hồi không liên quan tới vụ án. Số tiền này là giao dịch dân sự của Phạm Thị Trang (Trang phố núi, đang bị truy nã trong vụ án) trả cho Trần Ngọc Bích, số tiền này do Hồ Thị Phương (nhân viên tập đoàn Thiên Thanh) chuyển vào tài khoản của ông Trần Quí Thanh tại Eximbank. 

Vì thế không có căn cứ xác định số tiền này xuất phát từ hành vi phạm tội của Phạm Công Danh. Bên cạnh đó, ông Trần Quí Thanh cho rằng số tiền 194 tỉ đồng không phải là vật chứng của vụ án, không được thu giữ và bảo quản theo quy định trong các giai đoạn tố tụng.

Số tiền hơn 194 tỉ đồng xuất phát từ giao dịch hợp pháp, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cũng không có kết luận nào về giao dịch này là bất hợp pháp. Thậm chí ngay cả khi chấp nhận đây là tiền do Phạm Công Danh chuyển cho ông Thanh thì đó cũng là giao dịch hợp pháp .

Theo luật sư, không xác định được đường đi cuối cùng của số tiền hơn 194 tỉ đồng. Cho đến thời điểm hiện nay không thể hiện được điểm dừng số tiền này là ở đâu nhưng lại buộc ông Thanh trả lại số tiền này là bất hợp lý.

Bên cạnh đó, luật sư bảo vệ cho ông Thanh còn cho rằng số tiền này không liên quan đến thiệt hại của vụ án. Ngân hàng CB bị thiệt hại là do lỗi của CB đã để ông Danh sử dụng tiền ngân hàng không đúng chứ không phải do lỗi của những người đã giao dịch với ông Danh.

Còn luật sư bảo vệ cho bà Hứa Thị Phấn (Cố vấn cấp cao ngân hàng Đại Tín) cho rằng vào thời điểm khởi tố vụ án vốn chủ sở hữu của CB âm 18.469 tỉ đồng. Hậu quả đó có nguyên nhân chủ yếu là do hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và đồng phạm gây ra. Như vậy, quan điểm đổ lỗi cho hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của Danh là do bà Hứa Thị Phấn là không chính xác. 

Về việc đề nghị thu hồi 3.600 tỉ đồng (tiền Danh cho rằng trả nợ thay cho bà Phấn để lấy tài sản) không liên quan đến giai đoạn này 2 này, số tiền này do các bị cáo gửi ngân hàng để tái cơ cấu nên không có cơ sở để thu hồi.

HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 25-12.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên