Giao dịch tại một ngân hàng
Vietcombank (mã chứng khoán VCB) là ngân hàng thuộc nhóm VN30 có giá giao dịch cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết, đạt 79.000 đồng/cổ phiếu khi ngày giao dịch 23-7 mở cửa.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2019 của ngân hàng này cho thấy lợi nhuận sau thuế thu nhập đạt khoảng 4.361 tỉ đồng, tăng hơn 1.434 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt hơn 9.000 tỉ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, tổng nợ xấu của Vietcombank tính đến ngày 30-6-2019 là 7.134 tỉ đồng, tăng 911 tỉ đồng (14,64%) so với thời điểm 31-12-2018 do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gần 6 lần, từ 291,8 tỉ lên 1.670 tỉ, trong khi nợ nhóm 4 và 5 có xu hướng giảm.
Ngoài Vietcombank, Ngân hàng TPBank (mã chứng khoán TPB) mặc dù báo lợi nhuận sau thuế quý 2-2019 tăng gần 200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước nhưng nợ xấu ở cả ba nhóm đều lần lượt tăng.
Cụ thể, tổng nợ xấu tính đến ngày 30-6-2019 là gần 1.336 tỉ đồng, tăng gần 475 tỉ đồng (hơn 55%) so với thời điểm 31-12-2018.
Trong số các ngân hàng công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2019, có một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ, nhưng tổng nợ xấu lại tăng. Điển hình như các ngân hàng Sacombank và Kiên Long.
Ngân hàng Sacombank (mã chứng khoán STB) chứng kiến nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm mạnh đến hơn 164 tỉ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ nhóm 3 và nhóm 4 lại tăng lên gần 220 tỉ đồng khiến tổng nợ xấu quý 2-2019 tăng khoảng 55 tỉ đồng, đạt con số hơn 5.702 tỉ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Kiên Long (mã chứng khoán KLB) ghi nhận tổng nợ xấu quý 2-2019 là gần 356,5 tỉ đồng, tăng gần 79 tỉ đồng (hơn 28%) so với thời điểm 31-12-2018.
Mặc dù nợ nhóm 3 giảm nhưng nợ nhóm 4 tăng mạnh gần 81 tỉ đồng và nợ nhóm 5 tăng nhẹ khoảng 1,7 tỉ đồng đã làm gia tăng tổng nợ xấu quý 2-2019 của Ngân hàng Kiên Long.
Một số ngân hàng có vốn hóa thị trường lớn như BIDV (mã chứng khoán BID), Vietinbank (mã chứng khoán CTG), VPBank (mã chứng khoán VPB), Techcombank (mã chứng khoán TCB)... hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2019.
Riêng Ngân hàng BIDV vừa công bố giao dịch khủng với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana Bank. Theo đó, BIDV phát hành 603.302.706 cổ phiếu riêng lẻ (15% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư. Thương vụ trên có giá trị gần 20.300 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận