Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư của Chứng khoán SSI vừa cập nhật nhanh tình hình ngành ngân hàng, với nhiều thông tin đáng chú ý.
Theo dữ liệu từ SSI, kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng trong quý 2-2023 "đúng với kỳ vọng" của đơn vị đặt ra trước đó, với lợi nhuận trước thuế tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng bị giảm 1,2% so với quý đầu năm nay.
Điều này cho thấy các ngân hàng đã tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng (+6,6% so với đầu năm), tỉ lệ thu nhập lãi thuần - NIM co hẹp (-1,5% so với quý trước) và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng (+1,1% so với quý trước).
Điểm tích cực trong báo cáo tài chính quý 2 là thu nhập từ hoạt động dịch vụ hồi phục so với quý trước và CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đã tạo đáy trong quý đầu năm nay đối với hầu hết các ngân hàng.
Xét về tăng trưởng tín dụng, phía SSI nhận định tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý 2 vừa qua vẫn yếu so với quý 1 ở hầu hết các ngân hàng.
Riêng ACB, OCB, MBBank và VPBank là những ngân hàng có tốc độ tăng tín dụng so với quý trước mạnh nhất, đạt khoảng 5 - 6,5%. Trong đó động lực tăng trưởng tại MBB đến từ hoạt động cấp tín dụng cho doanh nghiệp ngành thương mại, sản xuất, bất động sản và xây dựng. VPBank cho vay sản xuất kinh doanh và bất động sản. ACB cho vay tài trợ vốn lưu động.
Tuy nhiên dư nợ tài chính tiêu dùng tiếp tục suy giảm tại FeCredit và MCredit, trong khi tăng nhẹ trở lại ở HDSaison.
Về chất lượng tài sản, ngân hàng thương mại cổ phần nhóm 2 (HDBank, MSB, TPBank, VIB), Sacombank và VPBank vẫn chịu áp lực suy giảm chất lượng tài sản. Tuy nhiên, nợ xấu và nợ quá hạn hình thành mới tại các ngân hàng thương mại nhà nước, cùng ACB, MBBank và OCB đã chậm lại đáng kể so với quý cuối năm trước và quý đầu năm nay.
Đội ngũ phân tích của Chứng khoán SSI cũng cho biết xu hướng tỉ lệ thu nhập lãi thuần được duy trì tương đối tốt tại các ngân hàng thương mại nhà nước vì tài sản sinh lời được phân bổ cân bằng hơn, do tiền gửi Kho bạc Nhà nước không còn dồi dào như quý trước.
Ngược lại, tỉ lệ thu nhập lãi thuần tiếp tục giảm tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần do nhiều nguyên nhân, bao gồm: tăng trưởng huy động quá cao so với tăng tín dụng (VPBank, HDBank), hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng (Techcombank) hoặc tăng mạnh danh mục trái phiếu tổ chức tín dụng (MBBank).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận