30/01/2015 09:37 GMT+7

Nhiều nét mới tại Đường sách Ất Mùi ​ 2015 tại TP.HCM

LAM ÐIỀN
LAM ÐIỀN

TT - Lễ hội Ðường sách Tết Ất Mùi 2015 tại TP.HCM diễn ra trên đường Hàm Nghi (đoạn từ Tôn Ðức Thắng đến Hồ Tùng Mậu) từ ngày 16-2 (28 tháng chạp) đến 22-2 (mùng 4 tết).

Một số sách trong thư phòng Trương Vĩnh Ký sẽ trưng bày tại Đường sách Ất Mùi 2015 - Ảnh: L.Điền

Đường sách năm nay còn giới thiệu bộ sưu tập các sách của học giả Trương Vĩnh Ký của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Triết và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Đặc biệt có cụm sách từ tủ sách nhà Trương Vĩnh Ký, như hai quyển Ngữ pháp so sánh Ấn - Âu (Grammaire Comparee des Langues Indo-Europeennes) là sách dùng của Trương Vĩnh Ký, có thủ bút của ông ghi chú ở lề trang...

Thông tin từ cuộc họp báo sáng 29-1 tại Sở Thông tin - truyền thông còn cho biết Lễ hội Ðường sách Tết Ất Mùi có chủ đề “Bản sắc Việt - hào khí Việt Nam”..

Ðây là lần thứ 5 lễ hội đường sách được thành phố tổ chức song song với đường hoa nhân dịp Tết Nguyên đán, như một dịp tôn vinh các giá trị văn hóa từ sách, bổ sung vào các nội dung du xuân một hoạt động có chiều sâu: đến với những trang văn, những thông tin từ sách.

Biển đảo và dấu ấn 40 năm

Như một cách giới thiệu trích ngang 40 năm lịch sử vừa qua của TP.HCM, đường sách năm nay tổ chức bốn cụm chủ đề chính: Dấu ấn lịch sử Sài Gòn - TP.HCM, Tự hào - Con người thành phố mang tên Bác, Biển đảo thiêng liêng, Thành phố hội nhập.

Trong đó, cụm trưng bày chuyên đề giới thiệu Thành phố hội nhập do Công ty Fahasa đảm nhận, với 5.000 nhan đề tương đương 50.000 bản sách tập trung vào mảng kinh tế phát triển, hội nhập với các nước trên thế giới, quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN...

Ðặc biệt mảng sách du lịch cũng được tập trung giới thiệu, là thông tin cần thiết không chỉ cho công chúng thành phố mà còn cả du khách nước ngoài lẫn bà con Việt kiều về thăm quê dịp tết:   Cẩm nang du lịch Việt Nam qua hình ảnh, Chợ Bến Thành qua cuộc trăm năm, Du lịch ba miền, Châu Âu 30 ngày đêm, Nhật Bản - vòng quanh thế giới...

Cụm chủ đề biển đảo do Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM thực hiện, sẽ giới thiệu hình ảnh, tư liệu về chủ quyền biển đảo, luật biển, bao gồm tập tư liệu bản đồ   Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử,  các hình ảnh, sách viết về chiến sĩ, ngư dân  bám biển bảo vệ chủ quyền.

Bên cạnh đó, Công ty Phan Thị cũng tổ chức trưng bày khu sa bàn mô hình bản đồ Việt Nam rộng 2,4m, dài 3,6m với phóng đồ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Khách du xuân có thể từ sa bàn này nhìn được toàn cảnh và đọc được tên các đảo, bãi san hô và mỏm đá trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Một đóng góp sáng tạo nữa của Phan Thị là thực hiện mô hình đoàn tàu lửa thống nhất Bắc - Nam: thể hiện lại chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên nối liền hai miền Nam - Bắc vào ngày 31-12-1976, với đầu tàu lửa dài 6m, rộng 2,4m, cao 2,8m mang ý nghĩa kỷ niệm 40 năm thống nhất Bắc - Nam.

Một số dụng cụ đóng xén sách từng dùng tại nhà in Tân Định - Ảnh: L.Điền

Dấu ấn xuất bản đầu thế kỷ 20

Ðường sách năm nay có một nội dung hoàn toàn mới: giới thiệu thông tin về các NXB tại Nam kỳ từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hầu hết đều có địa chỉ tại Sài Gòn.

Không chỉ thế, đường sách còn giới thiệu các sách của từng “nhà” thuở xa xưa ấy nay còn tàng bản trong các bộ sưu tập tư nhân. Ðây là kết quả của ý tưởng và sự phối hợp giữa Sở Thông tin - truyền thông với các nhà sưu tập tư nhân, cũng đang ngụ tại Sài Gòn.

Giới nghiên cứu ghi nhận Nam kỳ hồi cuối thế kỷ 19 đã là khu vực sử dụng chữ quốc ngữ rộng rãi, trong đó Sài Gòn là nơi có số lượng tác giả, nhà in, NXB đông đảo, trở thành trung tâm xuất bản, in ấn phát triển nổi bật ở cả Ðông Dương.

Quá khứ vàng son ấy hiện nay vẫn còn trong các bộ sưu tập hiếm khi xuất hiện. Nay Ðường sách Ất Mùi sẽ giới thiệu một loạt khoảng 15 NXB - nhà in thuộc “buổi đầu xuất bản Nam kỳ” thông qua các ấn phẩm còn lưu giữ được.

Ðó là nhà Imprimerie Rey, Curiol & Cie với quyển Ðại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của; nhà in Phát Toán của ông Ðinh Thái Sơn với bộ Tam quốc diễn nghĩa (nhà in Phát Toán thành lập năm 1879, được coi là nhà in sớm nhất do người Việt thành lập và quản lý, sau một thời gian hoạt động, nhà in này được sang lại cho ông Nguyễn Văn Viết); Tín Ðức Thư Xã với tập san BSEI; nhà in Schneider với các bộ báo Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn; nhà in Xưa Nay với quyển Nhà Nho của Chu Thiên; nhà in Nguyễn Văn Của với bộ Cay đắng mùi đời của Hồ Biểu Chánh...

Ðặc biệt nhà in Tân Ðịnh - được xem là nhà in có mặt sớm nhất tại Sài Gòn, nay sẽ ra mắt khách tham quan với bộ Thông loại khóa trình của Trương Vĩnh Ký - bộ tạp chí tư nhân đầu tiên trong lịch sử báo chí nước nhà.

Bên cạnh đó, Công ty Thái Hà cũng mang đến cụm trưng bày này các mộc bản khắc in kinh Phật - dấu tích một kỹ thuật xuất bản cách đây 300 năm. Ban tổ chức cũng cho biết đường sách sẽ phục vụ WiFi miễn phí cho khách tham quan. 

LAM ÐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên