Hòa thượng Thích Trí Quảng phát biểu tại hội thảo - Ảnh: L.Điền |
Hội thảo do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Trường đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.
Ngoài các nội dung thuộc về lịch sử truyền thừa, phát triển các dòng phái chuyên biệt của Phật giáo, hội thảo được chú ý ở nội dung “Phật giáo vùng Mê Kông: di sản và văn hóa” với các vấn đề cụ thể: Tôn giáo địa phương (bản địa) và văn hóa Nam Bộ (GS. TS. Ngô Văn Lệ), Phật giáo vùng Mê Kông: đặc điểm và giá trị (PGS. TS. Trần Hồng Liên), Tìm hiểu giá trị di sản chùa tháp trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ (TS. Đinh Viết Lực), Biểu tượng Neak trong các chùa Khmer Nam Bộ - một hiện tượng hỗn dung văn hóa (ThS. Thạch Nam Phương)…
Hội thảo nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong giới Phật giáo tại các nước vùng Mê Kông, “góp phần gây tạo ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn và bảo vệ các di sản văn hóa, ngăn chặn sự suy thoái đạo đức, nâng cao chất lượng sống cho các cộng đồng tiểu vùng Mê Kông” - Hòa thượng Thích Trí Quảng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam - phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo cũng hướng đến các mục tiêu: tăng cường kết nối Phật giáo tiểu vùng Mê Kông với Phật giáo trong khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường vì Mê Kông xanh; tăng cường các chương trình giao lưu văn hóa; đẩy mạnh sự hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa các nước lưu vực sông Mê Kông...
Trong lời phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Võ Văn Sen - hiệu trưởng trường đại học KHXH&NV - cho rằng hội thảo này là dịp để các học giả đi sâu trình bày các tư tưởng minh triết của đạo Phật, “để khẳng định đạo Phật mãi mãi là một đạo Phật nhập thế, luôn đồng hành cùng nhân loại”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận