PGS Nguyễn Văn Sánh - cố vấn chuyên trang Mekong Xanh, cho biết, chuyên trang Mekong Xanh của Tuổi Trẻ đã giới thiệu đến bạn đọc khu vực ĐBSCL và cả nước 28 mô hình sản xuất kinh doanh, bao gồm 4 nhóm chính. Đặc điểm và giá trị của các mô hình này đều mang giá trị rất cao trong phát triển kinh tế địa phương, nâng cao sinh kế cho bà con nông dân và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng ĐBSCL.
PGS Nguyễn Văn Sánh
" Trong số 28 mô hình được phát hiện và giới thiệu, tôi đặc biệt ấn tượng mô hình trồng lúa sạch ở An Phú (An Giang) vì khả năng nhân rộng, giảm chi phí, giảm sử dụng thuốc BVTV, nâng cao chất lượng gạo, giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình lúa - tôm ven biển ở Sóc Trăng, mùa mưa trồng lúa, mùa nắng bị mặn nuôi tôm cho hiệu quả cao hơn mô hình độc canh, hoặc trồng lúa hoặc nuôi tôm"
* Ông có thể giới thiệu cụ thể hơn về những mô hình sản xuất, kinh doanh trên, thưa ông?
- Nhóm thủy sản bền vững có mô hình nuôi tôm sạch và ứng dụng khoa học và công nghệ tự động ở Bạc Liêu; mô hình nuôi cua đinh tăng thu nhập cho nông dân, mở rộng và phát triển thị trường cung ứng nội địa. Các kinh nghiệm bản địa như: nuôi cá vua kiếm bạc tỉ hay mô hình thả thính dụ cá đồng ở Đồng Tháp đã nâng cao sinh kế nông dân đáng kể.
Nhóm cây ăn quả có nhiều mô hình như: trồng bưởi sạch ở Vĩnh Long để bán qua Châu Âu; trồng chuối sạch có thể chinh phục cả thế giới ở Cần Thơ; trồng thanh long đúng vụ và theo nhu cầu thị trường không đủ để bán ở Long An; trồng quýt hồng vừa khai thác đất đồi và phục vụ khách du lịch trên núi Cấm ở An Giang và nông dân trẻ học kinh nghiệm Israel trồng dưa lưới vùng cù lao tỉnh Đồng tháp...
Lĩnh vực lúa - gạo với mô hình trồng 500 ha lúa sạch ở An Phú (An Giang) giảm chi phí đáng kể, giảm phân và ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gạo sạch hơn và giá bán cao, đem lại lợi nhuận cao hơn 30%/ha so với nông dân canh tác truyền thống. Đối với vùng ven biển bị nhiễm mặn như Sóc Trăng, nông dân rất thông minh khi trồng lúa trong mùa mưa, nuôi tôm trong mùa khô đã trở thành mô hình lúa - tôm có trên 50 năm. Hay như chuyện kỹ sư Hồ Quang Cua đã kỳ công nghiên cứu cho ra các giống lúa dòng ST có tiếng gạo ngon của thế giới.
Đặc biệt, 8 mô hình nâng cao sinh kế và thích ứng BĐKH dựa vào kiến thức bản địa như: mô hình trái bần giúp làm giàu ở Cù Lao Dung, làm giàu từ cây Sâm biển ở Bến Tre. Đối với đất lúa sản xuất không hiệu quả thì có mô hình trồng cỏ nuôi bò ở huyện Ba Tri (Bến Tre). Ở vùng đất thượng nguồn và bị ngập úng như An Giang thì nông dân đã biết trồng Sen thay thế lúa vụ 3 kém hiệu quả, hoặc trồng chuối kết hợp nuôi cá…
Ngoài ra, còn có một số mô hình cách làm hay, câu chuyện tử tế ở nông thôn được phát hiện giới thiệu như: chuyện ông Lạc "què" và CLB 1.000 đồng ở Bạc Liêu, hoặc cậu sinh viên ăn ngủ cùng nông dân ở Vĩnh Long… đã nói lên các giá trị văn hóa bản địa và truyền thống lá lành đùm lá rách vùng nông thôn vùng ĐBSCL.
* Là chuyên gia tham gia thẩm định các mô hình, ông nhận thấy các mô hình trên đã mang lại sinh kế cho người dân và khả năng ứng dụng vào thực tế thế nào, thưa ông?
- Qua nghiên cứu thẩm định, tôi cho rằng các mô hình đều mang giá trị ứng dụng đạt hiệu quả cao, thích ứng với BĐKH, đã và đang có tác động, khuyến khích phong trào sản xuất tại nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.
Đối với sản phẩm quốc gia như: thủy sản, trái cây và lúa - gạo đã chứng minh giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường. Đối với các sản phẩm bản địa với ứng dụng công nghệ tiên tiến có nhiều cơ hội nâng cao sinh kế nông dân, ứng phó BĐKH và khai thác điều kiện tự nhiên tại địa phương hiệu quả hơn, tiến tới mỗi làng là môt sản phẩm. Quan trọng hơn là mỗi địa phương, mỗi tiểu vùng sinh thái, người dân có kinh nghiệm chọn mô hình canh tác thích hợp điều kiện tự nhiên, hoặc mô hình chuyển đổi canh tác để thích ứng thời tiết cực đoan do tác động của BĐKH.
Những thành quả của chương trình mekong xanh
Chương trình Mekong Xanh do báo Tuổi Trẻ khởi xướng với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á đã thực hiện 24 số báo, xuất bản hàng tuần với hàng trăm bài báo đề cập nhiều lĩnh vực khác nhau về đời sống kinh tế - xã hội, những vấn đề nóng bỏng, rào cản vướng mắc mà các tỉnh trong vùng đang gặp để các Bộ, ngành trung ương tháo gỡ.
Chuyên trang trở thành kênh thông tin góp phần truyền tải đa dạng thông tin chính sách, đời sống vùng ĐBSCL đến bạn đọc, cơ quan ban ngành cả nước. Chuyên trang giúp người dân, cộng đồng doanh nghiêp trong nước và quốc tế có góc nhìn đa chiều về đời sống kinh tế - văn hóa, giáo dục của vùng ĐBSCL, góp phần hỗ trợ các mô hình kinh tế, mô hình khởi nghiệp hiệu quả trước thách thức của biến đổi khí hậu.
Sau hơn 8 tháng thực hiện chương trình đã phát hiện và giới thiệu cho bạn đọc cả nước 28 mô hình kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu, các mô hình này đa dạng các lĩnh vực gồm: nông, lâm và thủy sản... với ưu điểm tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để nối kết với thị trường,hướng tới sản xuất sạch và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó có hơn 20 mô hình kinh tế, mô hình khởi nghiệp, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu được Ban tổ chức kết nối, biểu dương, trao hỗ trợ trong hoạt động "Cùng xây cuộc sống xanh" với suất hỗ trợ 15 triệu đồng/mô hình.
Chương trình Mekong Xanh cũng đã tổ chức hai cuộc hội thảo, tọa đàm chủ đề thiết thực như: "Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL" diễn ra tháng 1-2018 tại TP Cần Thơ và "Giải pháp ứng phó với hạn mặn các tỉnh ĐBSCL" tháng 4-2018 tại tỉnh Bạc Liêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận