Theo phương án giao thông mà Bộ GTVT phê duyệt, xe cộ lưu thông trên hai đoạn cao tốc này với tốc độ từ 60 - 80km/h. Như vậy, các tài xế sẽ có thêm lựa chọn cung đường di chuyển hợp lý với lộ trình từ TP.HCM hướng về Phan Thiết và các tỉnh miền Trung kết nối các địa điểm du lịch.
Liền mạch ba đoạn cao tốc phía Nam
Với việc cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào khai thác, lần đầu tiên từ TP.HCM ra các tỉnh miền Trung có ba đoạn cao tốc Bắc - Nam liên thông với nhau dài gần 250km.
Trước đó là đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị tư vấn cùng hàng ngàn cán bộ, công nhân viên đã nỗ lực cao nhất với quyết tâm đưa hai đoạn cao tốc này vào khai thác đúng dịp 19-5.
Trong đó, đoạn Nha Trang - Cam Lâm vượt tiến độ ba tháng. Đối với đoạn này, do các dự án cao tốc kế tiếp là Vân Phong - Nha Trang và Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa thông xe nên tài xế muốn đi vào phải qua các quốc lộ trước.
Cụ thể, khi tài xế di chuyển theo hướng Bắc - Nam sẽ bắt đầu từ quốc lộ 1 vào quốc lộ 27C, sau đó nhập vào cao tốc tại nút giao đầu tuyến ở xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (km5+783).
Tài xế chạy trên tuyến chính đến nút giao Cam Ranh (km52+892) để kết nối lại với với quốc lộ 1 thông qua quốc lộ 27B.
Trước mắt, tài xế chỉ lên xuống cao tốc này tại hai nút giao đầu tuyến và cuối tuyến. Nhà đầu tư chưa thu phí theo hợp đồng BOT đối với đoạn cao tốc này.
Với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tài xế bắt đầu từ quốc lộ 1 chạy vào đường dẫn ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong để nhập vô tuyến chính. Xe cộ sẽ chạy được hết đến nút giao cuối tuyến kết nối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây ở huyện Hàm Thuận Nam.
Rút ngắn thời gian, thêm nhiều lựa chọn
Với việc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác trước đó ngày 29-4, tài xế có thêm lựa chọn cung đường hợp lý nhất khi di chuyển từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo hoặc ra các tỉnh miền Trung.
Cụ thể, điểm nghẽn giao thông lớn nhất trước đây là đoạn quốc lộ 1 từ Đồng Nai ra đến Phan Thiết (Bình Thuận) cơ bản được giải quyết. Phần lớn tài xế đều lựa chọn cao tốc này đến Phan Thiết bởi thời gian giảm xuống một nửa.
Sau khi đến Phan Thiết, nếu ra Vĩnh Hảo hoặc các tỉnh miền Trung mà không phải cần "quá giang" quốc lộ 1, tài xế có thể đi tiếp trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại nút giao Ba Bàu.
Với vận tốc thiết kế như trên cùng đặc thù của cao tốc là tránh giao cắt với khu dân cư, đường thẳng, hạn chế dừng đậu... tài xế tiết kiệm được khoảng 30 phút so với trên quốc lộ 1 song song qua dự án này.
Nếu có nhiều thời gian, nhất là xe gia đình, tài xế có thêm lựa chọn. Đó là từ nút giao Ba Bàu di chuyển ra quốc lộ 1 hoặc từ Phan Thiết đi theo cung đường ven biển.
Quốc lộ 1 song song đoạn này cũng rộng rãi, có dải phân cách giữa, nhiều làn đường hơn. Các tuyến đường ven biển của tỉnh Bình Thuận đẹp mê mẩn như Võ Nguyễn Giáp, Hòa Thắng - Hòa Phú, Bình Thạnh - Chí Công...
Do đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang thi công, dự kiến cuối năm hoàn thành, nên chưa kết nối liền mạch từ các đoạn phía nam đến Nha Trang - Cam Lâm. Với đoạn này, tài xế bắt buộc di chuyển ra quốc lộ 1 hoặc đường ven biển, trong đó phần lớn là ở địa phận tỉnh Ninh Thuận.
Tài xế cần lưu ý gì khi di chuyển trên cao tốc mới?
Do các đoạn cao tốc mới đưa vào khai thác tạm, nhất là Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục như hàng rào, hộ lan tôn lượn sóng, nút giao, đường gom dân sinh, mái ta luy... vẫn tiếp tục thi công nên tài xế phải chú ý quan sát.
Ngoài ra, hai đoạn cao tốc này dài khoảng 200km nhưng vẫn chưa có trạm dừng nghỉ nên tài xế lưu ý phải đảm bảo nguồn xăng dầu cho xe, chuẩn bị đồ ăn thức uống, vệ sinh cá nhân trước khi di chuyển vào hai đoạn cao tốc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận