Nhóm nghiên cứu đã thu lại tiếng chim hút mật khu vực Đông Phi - Nguồn: UC Berkeley
Đây là một phần trong nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học California, Berkeley (Mỹ) sau khoảng thời gian dài quan sát các quần thể sống chim hút mật sống biệt lập trên những vùng núi cao Đông Phi.
Trước đây, các nhà khoa học tin rằng tiếng chim hót rất dễ biến đổi theo thời gian, vì được truyền khẩu nên sẽ phát sinh nhiều dị bản.
Tuy nhiên nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California, Berkeley cho rằng điều này chỉ đúng với những loài chim có thói quen di cư, đặc biệt ở khu vực bắc bán cầu. Trong khi đó các quần thể chim sống biệt lập như trên các vùng núi ở Đông Phi như đỉnh Kenya hay "nóc nhà" châu Phi Kilimanjaro thì ngược lại.
Nhóm nghiên cứu đã đến 15 đỉnh núi ở khu vực Đông Phi suốt nhiều năm liền, bắt đầu từ năm 2007, ghi nhận tiếng hót của 123 con chim thuộc những dòng chim hút mật khác nhau.
Kết quả, dù trải qua rất nhiều đời (chim hút mật có thể sống từ 7-22 năm), nhóm nghiên cứu vẫn thấy rằng giữa các bài hát mà chim vẫn thường ngân nga mỗi ngày gần như không có sự khác biệt.
Ngay cả những loài chim hút mật có quan hệ huyết thống tương đối xa, các bài hát của chim vẫn khá rất giống nhau.
Dựa trên các phương pháp tính sự khác biệt, nhóm cho rằng các bài hát đã được những loài chim này truyền khẩu gần như trọn vẹn trong suốt hàng ngàn đến một triệu năm qua.
Một trong nhiều loại chim hút mật khu vực Đông Phi trong nghiên cứu - Ảnh: UC Berkeley
Giáo sư Rauri Bowie từ Đại học California, Berkeley, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết điểm mấu chốt nằm ở môi trường sống tách biệt của chim và không thay đổi qua hàng ngàn năm.
Giáo sư Rauri giải thích thêm điều này cũng gần giống như ở cộng đồng loài người. Nếu sống biệt lập trong một cộng đồng suốt hàng trăm năm, bạn sẽ dễ giữ được giọng nói hay các bản sắc của cộng đồng ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận