Học sinh lớp 6/6 Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, TP.HCM trong một tiết học môn lịch sử - địa lý - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đây là năm thứ ba Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai với nhiều thách thức đến từ sự thiếu hụt nguồn nhân lực giáo viên ở nhiều môn học mới, khó khăn trong khâu chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới hướng đến nền giáo dục thực học, thực nghiệp.
Hai môn học tích hợp đang khiến giáo viên ta thán là môn khoa học tự nhiên (gồm ba môn lý, hóa, sinh) và môn lịch sử và địa lý. Gọi là môn học tích hợp nhưng kiến thức các phân môn lại tách bạch khá rõ trong cùng một quyển sách.
Năm ngoái ở lớp 6, hiện tượng “ba thầy cùng dạy một sách” hoặc “hai thầy một sách” đã làm khó nhiệm vụ ra đề kiểm tra, chấm thi, vào điểm và nhận xét môn học. Một bài thi khoa học tự nhiên gom kiến thức ba môn, chuyển giao luân phiên cho ba giáo viên cùng chấm, cộng điểm, vào sổ quá ư phức tạp.
Thế mà trong năm học này, mọi thứ còn rối tinh hơn khi cấp trên chỉ đạo phải dạy học theo hình thức cuốn chiếu: sáu tuần đầu học hóa, sáu tuần tiếp học lý và sáu tuần học môn sinh.
Giáo viên bộ môn hóa đã ngộp với số tiết thực dạy trong tuần, hơn 30 tiết cùng nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác vắt kiệt sức lực. Trong khi đó giáo viên lý, sinh lại rảnh rang, thong dong chờ đợi đến lượt.
Dẫu ở địa phương tôi công tác vẫn đang chỉ đạo giáo viên đào tạo chuyên ngành nào vẫn đang phụ trách phân môn đó để đảm bảo chất lượng nhưng nơi này nơi kia đã xôn xao hình mẫu “ông thầy tích hợp”.
Một giáo viên sau vài đợt tập huấn sẽ phụ trách tất cả phân môn toán - lý - hóa trong khoa học tự nhiên, tương tự sẽ đảm nhiệm cả lịch sử và địa lý. Câu hỏi về chất lượng giáo dục lại một lần nữa đặt ra.
“Ông thầy tích hợp” có thể nào thông thạo tất tần tật mọi kiến thức chuyên ngành của các bộ môn cần đứng lớp chỉ sau vài tháng tập huấn? Những buổi tập huấn trực tiếp hay trực tuyến đều rơi rụng kiến thức ít nhiều, chưa kể giới hạn về tuổi tác rồi lực cản đến từ tư tưởng chưa thông, cả tâm lý ngần ngại…
Người thầy đứng lớp phải tạo dựng được vị thế của một nhà giáo “biết 10 dạy 1”, tường tận và thông hiểu nhiều điều về lĩnh vực kiến thức, năng lực đang mài giũa cho trò. Hiểu sâu, biết rộng và phong thái tự tin làm nên hình ảnh người thầy mẫu mực, sáng bừng tinh thần tự học, tự sáng tạo và đổi mới không ngừng nghỉ.
Thế mà giờ đây chúng ta bắt gặp người thầy “biết 2 dạy 1”, “biết 3 dạy 1” và luôn nơm nớp lo lắng, bất an khi học trò lăm le nêu câu hỏi khó, đưa ra vấn đề nan giải ư? Nhiều nhà giáo đang cảm thán rằng bản thân mình giống “con cá” bị ép phải “leo cây”…
Mới đây, giáo viên các môn lý, hóa, sinh, sử, địa lại xôn xao trước thông tin cơ quan quản lý giáo dục chuẩn bị tổ chức hàng loạt lớp tập huấn để kịp cấp chứng chỉ dạy môn tích hợp nhanh nhất, sớm nhất để kịp giảng dạy trong năm học 2022-2023. Chúng ta đang vận hành ngược quy trình đổi mới giáo dục chăng?
Lẽ ra đội ngũ giáo viên đứng lớp giảng dạy bộ môn tích hợp phải được đào tạo bài bản từ giảng đường sư phạm bằng đội ngũ nhân lực kế cận cùng kế hoạch tập huấn bài bản, chỉn chu và chất lượng, hiệu quả qua năm dài tháng rộng cho giáo viên đang công tác ở nhà trường phổ thông hiện tại có thể gồng gánh một cách an toàn các môn học tích hợp.
Chỉ tiếc là đã bước sang năm thứ hai thực hiện dạy tích hợp, nhà trường vẫn loay hoay và “đau đầu” với phân công chuyên môn, giáo viên vất vả và lo toan với công việc giảng dạy, phụ huynh cùng học sinh hoang mang với thực tại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận