Hạ nghị sĩ Ami Bera (thứ sáu từ trái qua) chụp hình ở Học viện Ngoại giao trong chuyến thăm Việt Nam tháng 10-2022 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ
Tháng 10 vừa qua, tôi có vinh dự dẫn đầu phái đoàn lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ (CODEL) đến Việt Nam, chỉ vài tuần trước Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á vào tháng 11, khi khu vực này chào đón sự tham dự của Tổng thống Mỹ Biden. Các hoạt động tại Đông Nam Á của các quan chức hành pháp và lập pháp Mỹ phản ánh cam kết ở cấp độ toàn chính phủ của chúng tôi đối với khu vực.
Ba ưu tiên hợp tác
Các cuộc trao đổi của tôi với các quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam trong chuyến đi tháng 10 - bao gồm các thành viên của Quốc hội mà tôi đã chào đón tới Washington vào tháng 9 - đã tái khẳng định nhiều lĩnh vực mà Mỹ và Việt Nam có thể làm sâu sắc và mở rộng trong quan hệ đối tác của chúng ta.
Từ những gì chúng tôi trực tiếp chứng kiến trong chuyến thăm Việt Nam và phiên thảo luận sau đó của tiểu ban do tôi chủ trì về những thách thức mà Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt, có thể thấy tác động tàn khốc của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với khu vực và sinh kế của người dân là rất rõ ràng.
Nhiệt độ tăng và những thay đổi về lượng mưa đang phá hủy nhà cửa, cơ sở hạ tầng và nghề cá. Mực nước biển dâng cao như dự đoán cũng sẽ làm tăng ngập mặn và lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại mùa màng ở những khu vực vốn có năng suất cao nhất của lưu vực.
Lĩnh vực hợp tác thứ nhất là Mỹ viện trợ cho Việt Nam nhằm hỗ trợ ứng phó với thiên tai, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng chống chịu thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Trong nhiệm kỳ mới của Quốc hội, chúng tôi cần tiếp tục đầu tư không chỉ cho những nỗ lực và cơ hội phát triển năng lượng sạch mà còn cho các diễn đàn đa phương như Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ để tăng cường phát triển kinh tế và quản lý tài nguyên.
Thứ hai, chúng ta cần hợp tác hơn nữa trong việc bảo vệ an ninh hàng hải để đảm bảo tự do hàng hải liên tục ở Biển Đông. Chúng ta cần tiếp tục đẩy lùi các yêu sách phi pháp đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở những vùng biển này và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) đã hỗ trợ lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (VCG) xây dựng khả năng và năng lực thông qua nhiều chương trình cũng như các hoạt động đào tạo. Mỹ cũng đã hỗ trợ năng lực của VCG thông qua chuyển giao thiết bị, bao gồm xuồng tuần tra tốc độ cao và hai tàu tuần duyên lớp Hamilton.
Chúng ta nên tiếp tục ủng hộ hoạt động hợp tác an ninh như vậy, cũng như các cam kết đang diễn ra thông qua các nhà ngoại giao và liên lạc quân sự của Mỹ tại Việt Nam, qua đó tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta trong lĩnh vực này nhằm hỗ trợ hòa bình và ổn định trong khu vực.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Mỹ và Việt Nam nên ưu tiên hợp tác tăng cường khả năng phục hồi kinh tế. Suy thoái kinh tế do đại dịch toàn cầu và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine đã cho thấy nhu cầu cấp thiết phải giảm thiểu khả năng nền kinh tế của chúng ta bị tổn thương trước những cú sốc địa chính trị và gián đoạn thương mại.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và Việt Nam, cùng với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng khác, nên tiếp tục hợp tác nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với các ngành và hàng hóa quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Hướng đến thập kỷ tới
Mỹ và Việt Nam đã đi một chặng đường dài kể từ khi chiến tranh kết thúc cách đây gần 50 năm. Từ quan hệ kinh tế mạnh mẽ đến mối giao lưu nhân dân sâu sắc, quan hệ song phương này đã nở rộ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Và khi hai nước chúng ta kỷ niệm 10 năm Quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam vào năm 2023, các nhà hoạch định chính sách từ cả hai nước cần nâng cao hơn nữa mối quan hệ quan trọng này.
Các nhà lãnh đạo của hai nước nên cân nhắc việc kỷ niệm cột mốc quan trọng này và tất cả những gì mà người dân hai nước chúng ta đã đạt được bằng việc nâng cấp quan hệ đối tác lên cấp độ chiến lược. Việc nâng cấp mối quan hệ phản ánh chính xác hơn nữa mối quan hệ hợp tác đang diễn ra và sẽ tiếp tục cho thấy cam kết lâu dài để cùng giải quyết các thách thức tương lai thông qua tăng cường hợp tác.
Ngoài ra, tôi cam kết thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan lập pháp của Mỹ và Việt Nam bằng cách tạo dựng cơ hội gặp gỡ trực tiếp và trao đổi ý kiến giữa hai bên. Dù bất đồng chính trị là đặc điểm thường thấy ở Quốc hội Mỹ, hai đảng có được sự đồng thuận trong việc ủng hộ các đối tác của chúng tôi tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trong việc Mỹ tiếp tục hợp tác với khu vực này.
Tôi mong muốn làm việc với các đồng nghiệp của tôi và những người đồng cấp của tôi tại Việt Nam để tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta nhằm giải quyết những thách thức cấp bách nhất của thế kỷ 21.
Việt Nam là đối tác đầy năng lực
Từ lâu tôi đã tin rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đóng vai trò thiết yếu đối với sự thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Tôi đánh giá cao cam kết ở cấp cao và lâu dài của chính quyền Biden đối với khu vực.
Thế giới ngày nay luôn thay đổi và mang đến cho chúng ta không chỉ thách thức mà cả những cơ hội hợp tác. Nằm ở trung tâm của một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới và với dân số trẻ, năng động, Việt Nam đã nổi lên như một đối tác nhiệt thành và đầy năng lực, có khả năng thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, kiên cường, an toàn và thịnh vượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận