Hai nhà lãnh đạo hội đàm ngay sau đó. Những kết quả đạt được từ hội đàm được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung.
Mở cửa hơn nữa cho nông sản Việt
Tại hội đàm, Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng, luôn ủng hộ Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và nâng cao vai trò quốc tế.
Việc đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông, thủy sản của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại hội đàm.
Gắn với đó, ông đề nghị phía bạn phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu, xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án, nghiên cứu phát triển một số tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối hai nước, đẩy nhanh triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam, và hợp tác ở nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan tài chính, giao thông, vận tải, môi trường.
Đáp lại, Thủ tướng Lý Cường khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam đi sâu hợp tác thực chất, không ngừng và sẵn sàng mở cửa hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông thủy sản và hoa quả chất lượng cao.
Các hoạt động kiểm dịch, thông quan hàng hóa sẽ được tạo thuận lợi. Những vướng mắc về thể chế, chính sách cũng sẽ được giải quyết.
Các kết nối chiến lược, nhất là về hạ tầng cơ sở, giao thông sẽ được tăng cường. Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
Thủ tướng hai nước cũng nhất trí xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Thủ tướng Lý Cường tổ chức lễ đón trọng thể Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thảo luận sâu các vướng mắc
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vinh Quang, phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung, cho rằng trên nền tảng kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, những kết quả đạt được từ hội đàm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là những lĩnh vực hợp tác trọng yếu.
Đây là lần đầu tiên hai thủ tướng trực tiếp gặp nhau, nên nhiều vấn đề còn vướng mắc đã được trao đổi, thảo luận sâu sắc hơn.
Theo dõi nhiều năm quan hệ hai nước, ông Quang nói trong hoạt động kinh tế được quan tâm nhất là hàng hóa qua lại trên biên giới. Bởi hiện nay, nhu cầu nông, thủy sản xuất sang Trung Quốc rất lớn, trong khi việc xuất khẩu ở cửa khẩu bị ách tắc.
Ông Quang cho rằng tháo gỡ được vấn đề này sẽ giúp hàng hóa vào Trung Quốc thuận lợi hơn cũng như góp phần giảm chênh lệch cán cân thương mại hai nước.
Trong đó, những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng như việc thành lập văn phòng xúc tiến thương mại, đẩy nhanh hiệu suất thông quan, tránh xảy ra ùn tắc hàng hóa.
Thủy sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch lớn vào thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mong muốn với những kết quả đạt được sau chuyến thăm chính thức, không chỉ với thủy sản mà cả nông sản nói chung, phía bạn sẽ phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các cơ quan quản lý Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục đăng ký sản phẩm và doanh nghiệp được phép xuất khẩu nhanh chóng, thuận lợi, chia sẻ nhiều hơn thông tin về nhu cầu thị trường, các thay đổi về quy định, chính sách từ phía nước bạn.
Ở góc độ đầu tư, ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đánh giá cao những quan điểm được hai thủ tướng thống nhất về việc thúc đẩy đầu tư.
Theo ông, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam những năm gần đây tăng rất mạnh, vươn lên vị trí nhóm đầu trong các nước.
Các dự án trước đây thâm dụng lao động, công nghệ kém và sử dụng nhiều năng lượng thì nay đã có nhiều dự án tốt hơn.
Do đó, với định hướng về đầu tư của hai thủ tướng đã nêu ra từ chuyến thăm chính thức, ông Toàn cho rằng không nên có cái nhìn quá khắt khe với đầu tư từ Trung Quốc.
Vấn đề quan trọng là chọn lọc dự án, định hướng thu hút đầu tư dòng vốn chất lượng cao vào các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu như hạ tầng, sản xuất chế tạo, công nghệ cao, nông nghiệp...
"Vấn đề là mình kiểm soát dự án thế nào, nâng cao năng lực của các tỉnh được phân cấp đầu tư để chọn lọc dự án có công nghệ cao, tránh những tiêu cực. Thêm nữa là hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư.
Có cơ chế kiểm soát dự án triển khai cho hiệu quả thì tôi cho rằng dự án của Trung Quốc cũng không thua kém gì Hàn Quốc, Nhật Bản", ông Toàn nêu vấn đề.
Thủ tướng dự WEF ở Thiên Tân
Chiều 26-6, sau khi kết thúc lễ đón chính thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Thiên Tân để tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Ngay trong chiều cùng ngày, Thủ tướng đã dự và phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF với chủ đề: Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới để kiến tạo tương lai đất nước.
Thủ tướng cũng gặp nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab và chứng kiến ký kết biên bản ghi nhớ Việt Nam - WEF giai đoạn 2023 - 2026.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận