Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các nhà giáo trước thềm cuộc gặp gỡ này.
Thầy Trần Văn Luyện (hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM):
Định hướng dạy học trong chuyển đổi số
Là lãnh đạo trường, trước tiên tôi mong muốn được lắng nghe những định hướng về dạy học, chương trình, sách giáo khoa, những lưu ý mới nhất cho năm học mới và những vấn đề lớn của ngành giáo dục những năm tới.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn nghe thêm những vấn đề xung quanh dạy học ngày nay. Đó là dạy học trong thời đại chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo phát triển sẽ cần theo hướng như thế nào.
Trong bối cảnh giáo dục nước ta đang theo chương trình phổ thông 2018 và khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh, nền giáo dục cần làm rõ những vấn đề liên quan về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong dạy học.
Về chuyển đổi số, hiện nay đã có bộ chỉ số để so sánh. Trường THCS Hồng Bàng cũng đạt mức cao. Chúng tôi muốn lắng nghe để tiếp tục điều chỉnh để đi về phía trước. Về trí tuệ nhân tạo, những tiến bộ và phát triển của nó sẽ hỗ trợ giáo viên rất nhiều trong dạy học. Vậy ngành giáo dục sẽ định hướng việc dạy học như thế nào?
Giáo viên nên điều chỉnh thế nào cho phù hợp trong việc dạy học hiện nay? Tôi mong muốn lắng nghe những điều đó để cùng hội đồng sư phạm nhà trường cho ra kế hoạch dạy học, kế hoạch cá nhân sát thực tiễn, sát xu thế thời đại.
Thầy Hồ Hữu Ái (giáo viên Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn, TP.HCM):
Học sinh trải nghiệm thực tế, đời sống nhiều hơn
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có hai môn mới là giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm. Tuy nhiên, hai môn học này hiện chưa có giáo viên chuyên môn để dạy.
Tôi thấy vui khi chương trình 2018 có thêm nhiều môn mới để tăng hiểu biết về thực tiễn cho học sinh. Tuy nhiên, để đạt được kết quả trong dạy học, tôi mong muốn ngành giáo dục cần có đội ngũ giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn về lĩnh vực này.
Đồng thời, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có những hướng dẫn cụ thể về cách thức tổ chức dạy hoạt động trải nghiệm để các trường cứ theo đó làm. Giáo viên mong học sinh sẽ lĩnh hội được hết những cái hay cái tốt mà môn học mang lại, đặc biệt làm sao cho học sinh trải nghiệm các vấn đề thực tế xã hội nhiều hơn, giúp các em gần gũi với đời sống.
Thầy Hồ Quang Đạo (giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Krông Bông, Đắk Lắk):
Vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn
Đề án phân luồng học sinh sau khi học hết THCS đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Đó là giúp những em có năng lực học tập chưa tốt học ở các trường nghề vẫn có thể hoàn thành chương trình phổ thông và vẫn có một nghề để mưu sinh.
Việc phân luồng là tốt nhưng phải phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Ở các thành phố lớn, sau khi học học hết THCS, phần lớn học tiếp THPT hoặc theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề...
Trong khi học sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cách rất xa trung tâm huyện. Nếu các em phải về thành phố (thuộc tỉnh), việc đi học của các em dường như là ngõ cụt nếu không được học gần nhà.
Vậy nên tôi mong muốn được bộ quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện để phát triển cơ sở vật chất cho các nhà trường. Các trường được nhận hầu hết học sinh học hết lớp 9, giúp các em hoàn thành chương trình THPT.
Việc thừa thiếu giáo viên hiện nay cũng là một vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm. Bởi nhiều nơi vùng sâu vùng xa, số học sinh ngày càng đông nhưng giáo viên thiếu, phải cáng đáng thêm việc nhưng hằng năm vẫn phải tinh giản biên chế.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm (hiệu trưởng Trường mầm non Ngọc Lan, quận Hải Châu, Đà Nẵng):
Quan tâm giáo viên mầm non, cấp dưỡng
Những năm gần đây, Nhà nước có nhiều quan tâm đến chế độ chính sách đối với bậc Tuy nhiên, hiện giáo viên mầm non công việc vẫn quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.
Rất mong bộ trưởng quan tâm nhiều hơn đến cấp học mầm non từ việc giảm giờ làm, tăng phụ cấp, tri ân và có nhiều chế độ chính sách khen thưởng đối với giáo viên có nhiều đóng góp trong giáo dục mầm non.
Đặc biệt là quan tâm hơn nữa đến đội ngũ nhân viên cấp dưỡng đang công tác nhiều năm trong ngành nhưng vẫn chưa được hưởng các chế độ của một viên chức, để họ tiếp tục gắn bó với công việc. Đồng thời quan tâm hơn đến đời sống của giáo viên mầm non các trường ngoài công lập.
ThS Nguyễn Văn Toàn (giảng viên Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Tín dụng cho sinh viên cần hợp lý hơn
Trong bối cảnh tự chủ, các trường đại học sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở "tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo". Vì trường không được Nhà nước cấp kinh phí nên các trường phải thu học phí mới cao hơn.
Trong khi nguồn thu chính của các trường đại học hiện nay là từ học phí và các khoản chi cũng lấy từ học phí. Khi kinh phí bị cắt thì điều kiện phục vụ sinh viên sẽ kém như lớp học đông hơn, chất lượng không đảm bảo. Nếu không tăng lương thì đời sống của giảng viên vất vả hơn.
Việc tăng học phí tất nhiên người học sẽ khó khăn. Vì vậy, mong bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo tham mưu Chính phủ mở rộng đối tượng và thay đổi pháp nhân vay (từ hộ gia đình sang người học) trong vấn đề tín dụng cho sinh viên. Đồng thời thiết kế chính sách tín dụng hợp lý cho những ngành đào tạo khác nhau chứ ngành nào, cấp học nào cũng hạn mức tín dụng hằng tháng như nhau... là không phù hợp.
ThS Nguyễn Thị Thương (giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):
Thúc đẩy nghiên cứu khoa học
Là giảng viên đang làm việc tại một trường đại học tự chủ giáo dục, bản thân tôi đã nhận thấy có nhiều thay đổi trong cơ chế quản lý cũng như các chế độ cho giảng viên tại trường. Tuy nhiên, tôi rất mong sẽ có thêm một số cơ chế mở cho giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ, để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ.
Trước hết, cần tăng kinh phí cho các đề tài nghiên cứu cấp trường. Đặc biệt, nên phát triển các quỹ nghiên cứu, trong đó có phân bổ ngân sách cho sinh viên. Bởi lẽ đối với các nhóm nghiên cứu mạnh, chủ yếu là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thì năng lực nghiên cứu đã tốt hơn. Nhưng những quỹ nghiên cứu hiện tại thì rất khó để giảng viên trẻ tiếp cận.
Hiện tại, sau khi tự chủ, mức thu nhập bình quân đã được tăng hơn trước. Tuy nhiên, tôi rất mong muốn sẽ có thay đổi trong cơ chế tiền lương, có thể áp dụng lương theo KPI thay vì theo thâm niên công tác. Đối với những giảng viên trẻ, đó chính là động lực giúp chúng tôi tâm huyết hơn với nghề, nâng cao hiệu suất công việc.
PGS.TS Trần Hoài An (chủ tịch hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam):
Sửa đổi nghị định 81 phù hợp
Thực tế đang có nhóm trường tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư chưa được công nhận về pháp lý nên vẫn thu học phí như các trường chưa tự chủ nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các trường này có khả năng dừng hoạt động nếu không được tăng học phí.
Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan về lộ trình tăng học phí để nhà trường có thể đảm bảo được các hoạt động và không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Hy vọng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo lắng nghe nguyện vọng các trường, từ đó nghiên cứu sửa đổi nghị định 81 phù hợp. Các trường đại học tự chủ cần tăng học phí vừa để đảm bảo thu chi, vừa đảm bảo chế độ cho giảng viên, người lao động, đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận