21/12/2022 17:48 GMT+7

Nhiều khu bảo tồn biển trong tình trạng 'bốn không'

T.D.V - HÀ ĐỒNG - CHÍ TUỆ
T.D.V - HÀ ĐỒNG - CHÍ TUỆ

'Nhiều khu bảo tồn biển hiện nay vẫn trong tình trạng 'bốn không', không tiền, không có người, không phương tiện và không có thẩm quyền. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm, xử lý dứt điểm'.

Nhiều khu bảo tồn biển trong tình trạng bốn không - Ảnh 1.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nói như vậy tại hội nghị bàn giải pháp tăng cường công tác quản lý các khu bảo tồn biển, ven biển Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức sáng 21-12.

Hội nghị nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-2018 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36).

Thiếu nguồn lực đầu tư cho bảo tồn biển

Ông Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng việc bảo tồn biển hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong đó có sự bất cập trong chỉ đạo điều hành, thiếu tính kịp thời.

Bên cạnh đó, vai trò tham mưu quản lý nhà nước về bảo tồn biển của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố còn mờ nhạt. Rồi trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý khu bảo tồn biển, vườn quốc gia còn hạn chế, thiếu nguồn lực, nhân lực việc đầu tư cho các khu bảo tồn còn nhiều hạn chế.

"Bảo tồn là nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều khu bảo tồn hiện nay vẫn trong tình trạng "bốn không", không tiền, không có người, không phương tiện và không có thẩm quyền. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa được quan tâm, xử lý dứt điểm" - ông Lê Trần Nguyên Hùng.

Ông Hùng cũng cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo tồn biển, đa dạng sinh học khá đầy đủ, tuy nhiên, vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý bảo tồn biển hiệu quả, bền vững.

"Hiện nay, vẫn chưa có cơ chế chính sách khuyến khích đối với những người làm trực tiếp công tác bảo tồn biển tại các khu bảo tồn, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân trong và xung quanh các khu bảo tồn còn chậm" - ông Hùng nói.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa có khu bảo tồn biển quốc gia Hòn Mê với diện tích 6.700 ha, trong đó có 6.200ha là mặt biển.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Thanh Hóa hết sức quan tâm đến việc bảo tồn biển và dành nguồn lực thực hiện công tác điều tra, nghiên cứu và đánh giá nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, ông Giang cũng chỉ ra sự "xung đột" về phát triển kinh tế và bảo tồn biển. Mặc dù Chính phủ đưa khu bảo tồn biển Hòn Mê là 1 trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia, nhưng lại mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó Khu bảo tồn biển Hòn Mê trở thành một trong những hạng mục cảng biển.

"Thanh Hóa phải lựa chọn giữa việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong giai đoạn hiện nay đang gặp khó khăn vì hệ thống cán bộ các địa phương rất ít. Một số địa phương chỉ có một vài người làm công tác thống kê, chưa dành nhiều thời gian và kinh phí cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nhận thức của nhiều đồng chí lãnh đạo vẫn chưa đầy đủ trong vấn đề bảo tồn. Có những địa phương tổ chức thả cá, thả tôm, nhưng có ý kiến lại cho rằng thả cá, tôm ở vùng biển tỉnh mình thì nó lại bơi đi vùng biển khác. Cho nên cần thống nhất trong nhận thức và quyết liệt trong hành động để công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được cải thiện" - ông Giang nói.

Nhiều khu bảo tồn biển trong tình trạng bốn không - Ảnh 2.

Ảnh: Khu bảo tồn biển Hòn Mun (Khánh Hòa) - Ảnh: THANH HƯƠNG

Bảo tồn biển cần đi vào thực chất hơn

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, vấn đề khó khăn nhất trong việc bảo tồn biển đó là xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể khai thác, giữa việc bảo tồn hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế.

"Xét trong bối cảnh của thể chế kinh tế thị trường, chúng ta muốn tăng trưởng nhanh nhưng vấn đề đặt ra làm thế nào cho hiệu quả và bền vững chính là điều mà các vùng biển cần phải có bước đi rõ ràng" - ông Chinh nói.

Theo ông Chinh, để tránh xung đột trong việc bảo tồn hệ sinh thái biển và phát triển kinh tế đó là phát triển kinh tế biển xanh. Nếu đi theo hướng này vừa có thể bào tồn biển vừa phát triển kinh tế.

"Vấn đề khẩn trương hiện nay theo tôi là quy hoạch không gian biển, trong đó có quy hoạch vùng bờ. Bên cạnh chỉ đạo chung của Quốc gia về thực hiện Nghị quyết 36, Luật Bảo vệ môi trường,... các bên cũng cần ngồi lại với nhau nhằm đảm bảo tránh xung đột kinh tế giữa các ngành và duy trì hệ sinh thái biển" - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, nếu không bảo tồn hệ sinh thái biển thì không thể phát triển kinh tế biển bền vững. Tuy nhiên, việc bảo tồn biển trong giai đoạn hiện nay cần phải đi vào thực chất hơn, chứ không chỉ nói cho xong chuyện.

"Thế kỷ 21 là thế kỷ của các quốc gia có biển. Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái đa dạng, có diện tích mặt nước biển và chiều dài bờ biển,... Tuy nhiên, nếu không bảo tồn thì sau này muốn phục hồi cũng khó.

Vì vậy, giải pháp đặt ra trước hết là nhận thức của người đứng đầu, nhân dân là vô cùng quan trọng" - ông Tiến nhấn mạnh và đề nghị hoàn thiện, triển khai đồng quản lý vấn đề bảo tồn biển và nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về vấn đề bảo tồn.

Hải sản cạn kiệt dần: ‘Bảo tồn để đảm bảo sinh kế cho ngư dân’ Hải sản cạn kiệt dần: ‘Bảo tồn để đảm bảo sinh kế cho ngư dân’

TTO - Nguồn lợi hải sản nước ta đang bị suy giảm với tốc độ nhanh trong 5 năm qua, thậm chí một số vùng biển, sự suy giảm đã đến mức báo động. Do đó, cần phải bảo tồn để khai thác bền vững.

T.D.V - HÀ ĐỒNG - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên