Phóng to |
Người dân làm thủ tục giao dịch nhà đất tại Phòng công chứng số 4, TP.HCM - Ảnh: Chi Mai |
Luật hôn nhân và gia đình có qui định tài sản chung của vợ chồng thì phải do hai vợ chồng đứng tên trên giấy tờ sở hữu. Khi cấp giấy chứng nhận hoặc công chứng hợp đồng liên quan đến các giao dịch về nhà đất, các cơ quan công chứng thường yêu cầu chủ sở hữu chứng minh tài sản đó là của riêng mình hay thuộc tài sản chung vợ chồng.
Địa phương: khó khăn
Bà Nguyễn Thị Thu (68 tuổi) cho biết năm 2005 bà làm hợp thức hóa nhà trên đường Nguyễn Kiệm (TP.HCM) và được cấp giấy đỏ đứng tên bà. Tháng 5-2007, khi làm thủ tục bán nhà qua công chứng, dù bà đã nộp giấy báo tử của chồng (hi sinh năm 1968) nhưng công chứng viên vẫn yêu cầu phải xuất trình thêm giấy xác nhận tình trạng độc thân. Bà Thu về phường thì được UBND phường chứng nhận là “từ năm 1992 đến nay không đăng ký kết hôn tại địa phương”.
Khi đến nộp hồ sơ, công chứng viên không nhận, cho rằng bà phải xác nhận thêm trong thời gian trước đó: từ năm 1968 (thời điểm chồng bà mất) đến năm 1992 không kết hôn với ai nữa. “Tôi rời Hà Nội vào đây ở hơn 10 năm nay, giờ bắt phải quay về đó để xác nhận độc thân thì ai mà chứng cho?” - bà Thu bức xúc. Phải trình bày mãi, bà mới được công chứng viên chấp thuận hồ sơ với điều kiện phải làm cam kết!
Cần phải nhấn mạnh rằng đối với những người từng cư trú, làm việc tại nhiều địa phương khác nhau, khi xin xác nhận tình trạng độc thân là rất nan giải. Bà Trần Mai Thanh, ngụ tại quận 3, kể: trước đây bà sống tại Hải Phòng, sau đó gia đình vào Đà Nẵng một thời gian rồi tiếp tục chuyển vào TP.HCM làm việc. Khi mua được căn nhà tại TP.HCM, bà đã phải tốn mấy tháng trời đi xin xác nhận độc thân tại TP.HCM, Đà Nẵng và cả Hải Phòng mới được đứng tên chủ quyền nhà.
Nhiều người đăng ký tạm trú tại TP.HCM khổ sở cho biết không thể xin được xác nhận độc thân vì địa phương nơi thường trú không chịu xác nhận do thực tế không cư trú tại địa phương. Trong khi đó, UBND phường nơi tạm trú cũng không xác nhận vì cho rằng không có thẩm quyền.
Công chứng: rắc rối
Trong thủ tục đăng ký sở hữu, cơ quan đăng bộ đã “gác cửa”: nếu có đăng ký kết hôn thì trên giấy tờ ghi hai vợ chồng đồng sở hữu, người nào có xác nhận độc thân mới được đứng tên sở hữu một mình. Thế nhưng, khi giao dịch chủ sở hữu vẫn bị cơ quan công chứng buộc xuất trình giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân một lần nữa.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp hồ sơ công chứng giao dịch nhà đất bị treo lại vì không xuất trình được giấy đăng ký kết hôn (do bị mất hoặc hôn nhân thực tế...). Ông Nguyễn Viết Tiến, ngụ đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11, bức xúc cho biết hai ông bà mới mua căn nhà vào tháng 3-2007. Khi làm hồ sơ đăng bộ đã xuất trình hộ khẩu thường trú ghi rõ hai người là vợ chồng và được cơ quan đăng bộ ghi tên vào giấy hồng là đồng sở hữu nhà.
Chỉ hai tháng sau, khi có nhu cầu vay tiền, ông bà đến phòng công chứng để ký hợp đồng thế chấp thì lại bị các công chứng viên từ chối vì cho rằng hai ông bà không xuất trình được giấy đăng ký kết hôn. Ông Tiến xuất trình hộ khẩu cũng không được công chứng viên chấp nhận với lý do: hộ khẩu không phải giấy tờ hộ tịch. Ông Tiến về địa phương xin xác nhận ông bà là vợ chồng nhưng UBND phường từ chối vì cho rằng ông bà không đăng ký kết hôn tại đây nên không chứng!
Việc cơ quan đăng bộ, công chứng yêu cầu người dân phải có xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ là biện pháp để loại trừ trách nhiệm của các cơ quan này trong trường hợp xảy ra tranh chấp đã khiến nhiều người khốn khổ. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan đăng bộ, công chứng cần để cho chủ sở hữu cam kết và tự chịu trách nhiệm trong việc đứng tên, khai nhận tài sản là của riêng hay chung vợ chồng, loại bỏ bớt một thủ tục rắc rối trong qui trình mua bán, hợp thức hóa nhà đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận