19/03/2020 13:58 GMT+7

Nhiều học sinh Việt đòi xóa app học trực tuyến để... khỏi phải học

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - 'Đề nghị xóa app, đang yên đang lành bắt học, tức', 'Vì app này mà phải học không có thời gian tập bóng rổ, tennis'... Nhiều học trò bình luận tiêu cực về app học trực tuyến Zoom Cloud Meetings.

Nhiều học sinh Việt đòi xóa app học trực tuyến để... khỏi phải học - Ảnh 1.

"Bão" đánh giá 1 sao cho Zoom vào ngày 12-3 - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trên cả App Store và Google Play, những bình luận định kiến liên tục xuất hiện nhắm vào Zoom Cloud Meetings (gọi tắt Zoom) - ứng dụng ra đời phục vụ cho hội họp trực tuyến. Trong đó không ít đánh giá nêu thẳng: Không thích học online!

Từ ngày 10-3 đến nay, trên App Store, Zoom "lãnh" hơn 700 đánh giá 1 sao từ thị trường Việt Nam. Đỉnh điểm vào ngày 14, 15 và 16-3, Zoom chịu lần lượt 120, 180 và 220 lượt đánh giá 1 sao chỉ trong một ngày.

"Em mong app gỡ nhanh, tụi em cũng khổ khi phải dùng để học online, đâu ai muốn đâu", "Nghỉ là nghỉ, không học hành gì", "App làm mất đi sự gần gũi của thầy trò", "Đề nghị xóa app, đang yên đang lành bắt học, tức", "Vì app này mà phải học không có thời gian tập bóng rổ, tennis"… gần trăm bình luận tiêu cực được học sinh viết chỉ trong một ngày, đó là chưa kể không ít những đánh giá dùng từ ngữ thô tục. 

Cũng có một số bình luận kiểu như 'App rất tốt nhưng em rất tiếc', 'App rất tốt nhưng vì không thích học nên mình vote 1 sao'...

Đến cuối ngày 16-3 bắt đầu xuất hiện những bình luận tích cực cùng đánh giá 5 sao "phản pháo": "Các bạn không học thì để người khác học", "Hãy nghĩ đến công của người viết app, đừng tùy tiện đánh 1 sao"… Dẫu vậy, con số này vẫn còn khiêm tốn với lượng người chê bai.

Nhiều học sinh Việt đòi xóa app học trực tuyến để... khỏi phải học - Ảnh 2.

Các bình luận trên App Store - Ảnh: TRỌNG NHÂN

"Bão" 1 sao đã khiến tổng điểm của Zoom tại Việt Nam chỉ còn 3,4. Trên Google Play, tổng điểm của Zoom sụt còn 2,4/5, tính đến 19-3. "Các bạn ấy nghĩ đơn giản đánh giá thấp thì nhà sản xuất sẽ rút app và không phải học online nữa" - T.T, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong,  nói.

Từ ngày 18-3 đến nay, nhiều trang mạng xã hội kêu gọi "cứu" Zoom khỏi làn sóng tẩy chay của học sinh. Một trang fanpage của sinh viên Học viện Tài chính có hơn 77.000 người theo dõi đã lên tiếng kêu gọi các thành viên "giải cứu" Zoom - phần mềm mà nhiều sinh viên trường này đang dùng để học.

"Mình cảm thấy xấu hổ vì các bạn được ăn học tử tế nhưng lại làm hành động không hay đó. Không có cuốn sách giáo khoa nào hay giáo viên nào dạy phải tẩy chay, vùi dập một ứng dụng - cũng là thành quả của công sức, trí tuệ, sự cố gắng của người khác - chỉ vì sự ích kỷ của bản thân" - L.T.T.T, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ.

Trước đó, làn sóng phản đối ứng dụng hỗ trợ dạy học online cũng diễn ra ở Trung Quốc. Theo Bussiness Insider, chỉ trong đêm 11-2, DingTalk - phần mềm học online của ông lớn Alibaba - nhận hơn 15.000 lượt đánh giá 1 sao trên App Store, khiến tổng điểm của phần mềm này giảm kỷ lục từ 4,9 xuống chỉ còn 1,4.

Nhiều học sinh Việt đòi xóa app học trực tuyến để... khỏi phải học - Ảnh 3.

Những bình luận "phản pháo" lại các tài khoản chấm điểm 1 sao - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ứng dụng phổ biến

Một giáo viên toán Trường THPT Marie Curie, TP.HCM cho biết những ngày nghỉ tránh dịch vừa qua thầy chọn sử dụng Zoom bên cạnh Facebook và Zalo để dạy học từ xa cho một số học trò. Thầy nhận xét, dù đôi lúc vẫn còn một số trục trặc như văng khỏi phần mềm nhưng nhìn chung Zoom có được độ ổn định cần thiết cho việc dạy học trong nhiều giờ liền.

"Theo tôi những lý do mà học sinh đưa ra để chấm điểm 1 sao cho phần mềm này chỉ là cái cớ để các em từ chối học online", thầy nói.

Hiện tại, Zoom là một trong những ứng dụng được sử dụng nhiều để dạy học trực tuyến tại Việt Nam, bên cạnh Google Meet, Skype, Zalo hay Facebook.

Mới đây, ngày 11-2, nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) năm 2020 chỉ ra 5 quốc gia kém văn minh nhất trên môi trường trực tuyến là Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và Việt Nam.

Bộ GD-ĐT: Trường và phụ huynh tự thỏa thuận mức phí học online Bộ GD-ĐT: Trường và phụ huynh tự thỏa thuận mức phí học online

TTO - Bộ GD-ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của bộ. Đối với các chương trình bổ trợ khác như học online, bộ không quy định mà do nhà trường và gia đình học sinh thỏa thuận.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên