Gần 99% học sinh TP.HCM đã được khám sức khỏe ban đầu, có 32,2% học sinh béo phì.
Ngoài ra, còn có 28,8% học sinh bị bệnh khúc xạ về mắt; 23,2% học sinh bị sâu răng; 4,5% bị suy dinh dưỡng.
Đó là một trong các nội dung báo cáo của Phòng chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ngày 3-10.
Báo cáo trên còn cho biết hiện TP.HCM chỉ có gần 60% trường học có nhân viên y tế đúng quy định, hơn 20,2% trường có nhân viên y tế nhưng lại chưa đạt chuẩn, 19,7% trường có nhân viên y tế nhưng không có chuyên môn về y tế…
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM: "Việc tổ chức cho học sinh chơi thể thao ở một số trường học còn nặng về tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả thực chất.
Năm học này, sở đã yêu cầu các trường học đẩy mạnh phong trào này, tạo điều kiện để học sinh được rèn luyện thể chất, có thể chơi thành thạo ít nhất một môn thể thao".
Tỉ lệ học sinh béo phì ở mức cao tại TP.HCM đã được ngành y tế cảnh báo cách đây nhiều năm. Trong đó nguyên nhân khiến học sinh béo phì là do các em ít có thời gian, điều kiện để vận động thân thể.
Nhiều học sinh chọn cách giải trí bằng các thiết bị điện tử thay vì chơi thể thao. Đó là chưa kể thói quen ăn uống quá nhiều tinh bột và chất đạm nhưng thiếu rau, củ… cũng khiến học sinh béo phì, thừa cân.
Ở TP.HCM hiện nay, nhiều trường học đã phải tăng tiết môn thể dục để giúp học sinh giải phóng bớt năng lượng dư thừa. Một trong những phương pháp mà các trường thực hiện là cho học sinh được chọn một môn thể thao mà mình yêu thích để học tăng tiết như bóng rổ, bóng đá, nhảy hiện đại, aerobic...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận