03/07/2016 13:57 GMT+7

Nhiều hệ lụy từ việc hoãn thi hành Bộ luật hình sự

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Nhiều quy định có lợi cho bị can, bị cáo và người liên quan khác đáng lẽ được thi hành từ 1-7 nhưng đã phải hoãn lại khi Bộ luật hình sự bị phát hiện có hơn 90 lỗi sai.

Ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao - Ảnh: Hoàng Điệp
Ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Ngày 1-7 là thời điểm mà đáng lẽ Bộ luật hình sự (BLHS) cùng ba luật khác: Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS), Luật tạm giữ tạm giam, Luật tổ chức các cơ quan điều tra hình sự sẽ có hiệu lực thi hành nhưng ngày 30-6, Quốc hội đã ra nghị quyết hoãn thi hành các luật trên.

Trong đó, BLHS được cho rằng có tới 90 lỗi sai sót. 

Các luật mới trên được giới chuyên gia trong nước đánh giá là rất tiến bộ theo hướng cải cách tư pháp và tôn trọng quyền con người.

Nhiều hệ lụy khi luật hoãn thi hành

“Không tưởng tượng được”, “Quốc hội mất uy tín với người dân”, “lịch sử lập pháp của Việt Nam chưa từng xảy ra chuyện thế này”... là những cụm từ mà ông Phạm Công Hùng - nguyên thẩm phán TAND tối cao - nói về việc Quốc hội tạm lui thời hạn có hiệu lực của BLHS bởi có hơn 90 lỗi sai trong bộ luật này.

“Có thể nói quy trình đầy đủ của việc sửa đổi bộ luật gồm nhiều khâu nhưng trách nhiệm cuối cùng là của Quốc hội.

Tôi cũng đã thấy các đại biểu nhận trách nhiệm trong việc nhấn nút thông qua, nhưng uy tín của Quốc hội thì không thể không ảnh hưởng. Bởi việc ra đời một bộ luật không chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận nào mà được áp dụng cho toàn dân” - ông Phạm Công Hùng nói.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên đại biểu Quốc hội nhiều khóa liền - cũng lắc đầu: “Không thể tưởng tượng lại có chuyện hi hữu như thế này xảy ra. Nhưng sửa là đúng, bởi nếu không sửa thì hậu quả không biết đằng nào mà lường”.

Theo các chuyên gia, việc tạm dừng thi hành BLHS và ba bộ luật khác dẫn đến nhiều hệ quả xấu cả về vật chất và tinh thần.

Theo thẩm phán Vũ Phi Long - phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, chính vì việc hoãn thi hành các luật trên mà hiện nay tòa này vẫn phải căn cứ vào bộ luật cũ để xét xử.

Thẩm phán Long cho rằng thiệt hại vật chất dễ thấy là kinh phí cho những buổi tập huấn của cơ quan tố tụng để áp dụng luật mới, là việc các cơ quan tố tụng chuẩn bị về cơ sở vật chất cho luật mới, rất nhiều cuốn sách luật đã được xuất bản nhưng sẽ không được sử dụng...

Bên cạnh đó, nghiêm trọng hơn là các thiệt hại khác liên quan đến quyền lợi của công dân thì không rất khó để khắc phục.

"Thiệt hại trước hết thuộc về các bị can, bị cáo. Ví dụ, nếu không phải lùi thời hạn thi hành thì theo Luật tạm giữ, tạm giam, từ ngày 1-7 người bị tạm giữ tạm giam sẽ được quyền gặp người thân và gia đình nhưng giờ họ phải chịu thiệt thòi", ông Long nói.

Cũng theo thẩm phán Long, đáng lẽ cũng từ hôm nay các luật sư chỉ cần đăng ký để được bào chữa cho các bị can bị cáo, hoặc chỉ cần có đơn yêu cầu của người thân, thì bây giờ họ sẽ vẫn xin cấp giấy bào chữa theo thủ tục cũ. 

Khó khăn trong việc xin cấp giấy bào chữa tưởng được sẽ cởi bỏ kể từ ngày 1-7 nhưng giờ phải bị kéo dài thêm sáu tháng nữa. 

Ông Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND Tp.HCM
Ông Vũ Phi Long, phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Chỉ nên tạm dừng những điều luật sai!

Đó là ý kiến của luật sư Phạm Công Út - Đoàn Luật sư TP.HCM - khi nói về việc dừng thi hành BLHS 2015. Theo luật sư Út, việc dời ngày thi hành các luật trên để lại nhiều hệ quả bất lợi không chỉ đối với các bị can, bị cáo mà còn đối với nhiều người dân khác.

“Cụ thể là về quy định đối với việc bắt tạm giam đối với những tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có định lượng rõ ràng. Ví như theo luật mới, vi phạm của bị can đó sẽ không bị tạm giam, nhưng luật cũ thì vẫn bị tạm giam, như vậy là rất bất lợi cho họ” - luật sư Út nói.

Theo luật sư Út, hơn 90 điều luật sai chứ không phải tất cả BLHS và cũng không phải những quy định tiến bộ trong Bộ luật TTHS, Luật tạm giữ tạm giam sai nhưng vì hơn 90 điều sai này mà phải tạm dừng toàn bộ sự tiến bộ của những luật có liên quan đã gây thiệt hại lớn cho cả xã hội.

Luật sư cũng dẫn chứng quy định quyền của người thăm nuôi khi Luật tạm giữ, tạm giam không được thi hành thì ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người bị tạm giam.

“Những thiệt hại về vật chất còn có thể khắc phục được nhưng còn thiệt hại về quyền con người, các thiệt hại về tinh thần thì không thể tính toán được bằng tiền”, ông Út nói.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên