Lòng hồ Na Hang là nơi hội tụ của hai dòng sông trữ tình là sông Gâm và sông Năng, được ví như vịnh Hạ Long giữa đại ngàn, tỉnh Tuyên Quang - Ảnh: NAM TRẦN
Do đặc thù công việc trong ngành lữ hành, hàng năm tôi đều có các chuyến đi đến nhiều địa phương trong nước cũng như các quốc gia khác nhằm tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ mới …
Năm 2020 này là một năm đặc biệt do dịch bệnh CCOVID-19, các chương trình du lịch nước ngoài tạm ngưng nên nên ngành du lịch đã tập trung vào việc khai thác thị trường du lịch trong nước như một cứu cánh để vượt qua khó khăn.
Việc liên kết du lịch các vùng, miền được thúc đẩy mạnh hơn để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới để khai thác tối đa thị trường du lịch nội địa, qua đó tôi cũng có dịp đi nhiều, tìm hiểu được nhiều hơn. Càng đi nhiều, càng thấy Việt Nam ta có nguồn tài nguyên du lịch "tiềm ẩn" có thể khai thác còn rất nhiều. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân có một số vấn đề chúng ta có thể làm tốt hơn hiện nay :
Công việc xúc tiến, quảng bá điểm đến cần được thực hiện thường xuyên và hiệu quả hơn. Theo định hướng của Chính phủ, hầu hết các địa phương đều đưa vào nghị quyết "đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn", từ đó hình thành bộ máy nhân sự là các Trung tâm xúc tiến du lịch đối với cấp tỉnh, hoặc Trung tâm thông tin du lịch cấp huyện và có ngân sách mặc dù còn rất eo hẹp để hoạt động.
Rất nhiều năm qua, để quảng bá du lịch, các địa phương chủ yếu tham gia các hội chợ chuyên ngành trong nước tại các trung tâm du lịch lớn như VITM tại Hà Nội, ITE và Ngày Hội Du lịch tại TP.HCM hay đã có nhiều tỉnh thành đã tham gia được các hội chợ du lịch quốc tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên cách quảng bá giới thiệu sản phẩm điểm đến vẫn theo một "lối mòn", thiếu kế hoạch xây dựng sản phẩm bài bản, cách tiếp cận hiện đại, hiệu quả và xuyên suốt.
Các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương cần tư duy theo cách làm của doanh nghiệp, trước tiến phải xây dựng được "sản phẩm" thật đẹp về mặt hình ảnh, sử dụng các công nghệ tiên tiến tạo nên các đoạn phim ngắn nêu bật được điểm đến, có thể mời các nhân vật nổi tiếng, Youtuber đến trải nghiệm. Thông qua các nhân vật này, điểm đến sẽ có sự lan tỏa.
Khi đã có sản phẩm như vậy, việc quảng bá thông qua các kênh hiện đại như mạng xã hội, truyền thông Internet là cách dễ dàng đưa sản phẩm đến với du khách, hiệu quả hơn cách làm theo "lối mòn".
Là doanh nghiệp lữ hành hoạt động lâu năm, chúng tôi thường xuyên đón tiếp các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương của nước ngoài. Họ đến đến để cung cấp thông tin, bàn việc phát triển sản phẩm. Trong nước thì ngược lại, rất hiếm khi chúng tôi được đón tiếp các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương, mà chủ yếu phải tự đi tìm, tự kết nối như cách làm giữa các doanh nghiệp với nhau.
Tôi còn nhớ rất rõ trong đoàn famtrip gồm nhiều công ty lữ hành lớn tại TP.HCM, khi đến với Công viên địa chất Cao Bằng, mọi người vỡ òa về vẻ đẹp khi được giới thiệu đến với các địa danh như Phia Oắc (Phia Đén), Núi Mắt Thần hay của tỉnh Tuyên Quang, chinh phục đỉnh Công Sơn tại Lạng Sơn…
Các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương nên giới thiệu thông qua các hiệp hội du lịch, và chủ động đến với các doanh nghiệp lữ hành, một kênh quảng bá hiệu quả gần nhất với du khách, từ đó kết nối với các doanh nghiệp du lịch địa phương do mình quản lý. Cách tiếp cận này rất hiệu quả và không quá tốn kém, đừng đổ lỗi do ngân sách hạn hẹp.
Vấn đề thứ hai là nhân sự phụ trách công tác xúc tiến quảng bá tại các địa phương trừ các trung tâm du lịch lớn đều không có, hoặc yếu về chuyên ngành du lịch, marketing, ngoại ngữ.
Các nhân sự này cũng không ổn định, rất hay thay đổi công việc theo sự điều động. Đã rất nhiều lần doanh nghiệp tôi liên hệ để tìm hiểu thông tin, nhưng có khi chỉ được trả lời Em chỉ là người thay thế hỗ trợ, còn người phụ trách du lịch hiện đang nghỉ… thai sản, hoặc chủ yếu là trả lời qua loa, hứa cho có mà mãi không cung cấp được thông tin, hoặc có thông tin nhưng không đầy đủ.
Ngành du lịch là một ngành đặc thù đòi hỏi sự hiếu khách. Thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tuyển dụng, tận dụng những nhân sự phù hợp, đúng người, đúng việc đáp ứng được yêu cầu thực tế, không nên đổ lỗi cho cơ chế khách quan.
Du lịch Việt Nam cần có nhiều hoạt động quảng bá hơn để sớm vượt qua khỏi suy thoái do dịch COVID-19.
Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận