25/10/2014 08:13 GMT+7

​Nhiều góp ý chống ngập đang được thực hiện

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TT - Ông Nguyễn Ngọc Công, giám đốc Trung tâm Ðiều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-10 liên quan đến tình hình ngập nước trên địa bàn TP.

Người dân khó khăn di chuyển qua dòng nước ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: T.Tùng
Ông Nguyễn Ngọc Công - Ảnh: Q.K.

Theo ông Công, các góp ý về kết nối hệ thống thoát nước giữa các lưu vực, tăng diện tích thấm nước và triển khai xây dựng hồ điều tiết... TP đã thấy và đang triển khai.

Ví dụ: hàng loạt vỉa hè trên địa bàn TP được dỡ bỏ lớp bêtông thay bằng mảng xanh; đã lắp đặt ba tuyến cống kết nối từ lưu vực Tham Lương - Bến Cát qua lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đồng thời quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán sắp hoàn thành để trình UBND TP.

* Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng hồ điều tiết là giải pháp “mềm” chống ngập, vậy vì sao đề xuất này từ rất lâu nhưng giờ quy hoạch vẫn chưa xong?

- Tiếp thu ý kiến về xây dựng hồ điều tiết, Trung tâm Ðiều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) đã đề xuất triển khai nghiên cứu, đến tháng 2-2011 đề cương thực hiện quy hoạch này được duyệt nhưng mãi đến tháng 4-2013 mới được các cơ quan chức năng bố trí vốn.

Trên cơ sở đó, trung tâm mới có tiền thuê các đơn vị nghiên cứu thực hiện quy hoạch.

Việc nghiên cứu hồ điều tiết nói thì dễ nhưng để xây dựng các kịch bản mưa, với hệ thống thoát nước hiện trạng thì lượng nước không thoát hết là bao nhiêu, ứng với lượng nước đó cần xây dựng hồ điều tiết dung tích thế nào, phân bố ra sao, khả năng kết nối với cống như thế nào trên toàn phạm vi TP không phải là chuyện đơn giản, một sớm một chiều là làm được.

* Vậy đến bao giờ quy hoạch này ra đời, mất thêm thời gian bao lâu để có thể xây dựng được hồ điều tiết?

- Nếu không có gì thay đổi, trong 2 tuần nữa công tác chuẩn bị cho quy hoạch hồ điều tiết sẽ xong để trình UBND TP.

Tuy nhiên trước mắt, trung tâm kiến nghị UBND TP ghi vốn và cho thực hiện thí điểm trước hồ điều tiết ngầm khu vực công viên Bàu Cát, Q.Tân Bình với diện tích khoảng 400m2, sâu 5-10m, tương đương dung tích chứa nước 25.000-50.000m3 nhằm hỗ trợ chống ngập cho lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm.

Dự án thứ hai là nghiên cứu xây hồ điều tiết khu vực Gò Dưa, Q.Thủ Ðức. Về nội dung quy hoạch hồ điều tiết, chúng tôi sẽ tính toán cụ thể mỗi quận như vậy cần dung tích hồ điều tiết là bao nhiêu, trên cơ sở đó giao lại cho quận thực hiện.

* Tại nhiều cuộc họp, có ý kiến cho rằng vốn đầu tư chống ngập cả ngàn tỉ đồng mỗi năm (chưa kể các dự án lớn sử dụng vốn ODA), các công trình chống ngập hiện nay tràn lan nhưng không phát huy hiệu quả?

- Có thể nhìn nhận rằng công tác chống ngập thời gian qua còn nhiều bất cập, thậm chí có những yếu kém trong công tác quản lý phối hợp. Tuy ngập có giảm nhưng chưa được như mong đợi và kỳ vọng của người dân. Nhưng trong điều kiện như hiện nay, chúng tôi không làm gì khác hơn được.

Theo chương trình kế hoạch được thông qua, để giải quyết vấn đề ngập nước trên địa bàn TP trong giai đoạn 2011-2015, mỗi năm TP cần 9.523 tỉ đồng với 159 hạng mục công trình, sau đó vốn đầu tư tăng lên hơn 23.800 tỉ đồng.

Ðể bám theo chương trình đột phá giải quyết ngập nước của TP trong giai đoạn trên, trung tâm chỉ tập trung giải quyết 29/58 điểm ngập tại khu vực trung tâm TP (29 điểm còn lại các đơn vị khác thực hiện- PV) với tổng vốn ước tính trung bình hơn 1.000 tỉ đồng mỗi năm.

Nhưng mỗi năm qua, ngân sách chỉ bố trí vốn 30-40% so với nhu cầu trên, chưa kể khi dự án được phê duyệt chỉ được ghi vốn nhỏ giọt thì sao triển khai được. Chúng tôi hoàn toàn có những số liệu để chứng minh và chịu trách nhiệm vấn đề này.

* Vậy theo ông, giải pháp nào chống ngập hiệu quả cho TP.HCM lúc này và khả năng triển khai như thế nào?

- Ðể chống ngập một cách bền vững thì không chỉ đầu tư hệ thống cống thoát nước theo quy hoạch 752 (quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước mưa trên địa bàn TP) mà còn thực hiện các công trình ngăn triều theo quy hoạch 1547 (quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP).

Vấn đề quy hoạch 752 mà các nhà khoa học cho là lạc hậu trung tâm cũng đã đề xuất nâng tiết diện cống cho phù hợp.

Còn quyết định 1547 trung tâm đang kiến nghị có những điều chỉnh cho phù hợp hơn, có tính toán yếu tố biến đổi khí hậu, cụ thể phạm vi của quy hoạch này có thể loại khu nam Sài Gòn ra khỏi quy hoạch, khi đó quy mô dự án cũng như vốn sẽ được thu hẹp lại.

Khi hệ thống cống thoát nước cũng như đê bao, cống kiểm soát triều được xây dựng, kết hợp với mạng lưới hồ điều tiết là giải pháp bền vững để chống ngập. Nước mưa sẽ thoát xuống kênh và hồ điều tiết, nước triều lên có cống ngăn lại.

Ðối với các giải pháp chống ngập cấp bách, vấn đề quan trọng là phải có vốn đầu tư. Bởi vì không có vốn đầu tư, công trình không được triển khai đúng tiến độ thì đừng mong TP sẽ giảm ngập.

Diễn đàn Chống ngập: sôi nổi thảo luận

Diễn đàn Chống ngập do Tuổi Trẻ Online tổ chức tiếp tục nhận được những bài viết đi vào giải pháp cụ thể, thậm chí có phần chuyên sâu kỹ thuật. Cùng với đó là các ý kiến thảo luận, trao đổi về những giải pháp các chuyên gia đã chia sẻ.

Nhiều bạn đọc cũng cho rằng việc chống ngập có thể bắt đầu từ chính ý thức của người dân. Bạn đọc nguoinhaque193@... lý giải: Ngoài chuyện kênh rạch hạn chế trên một diện tích lớn thì chính việc xả rác bừa bãi của người dân cũng góp phần tạo nên ngập úng.

Bạn đọc Lan chỉ ra một thực trạng là hầu hết miệng cống thoát nước đều bị bít bởi rác khi các hàng quán hầu như đều quét rác vào miệng cống.

“Ta nên cho đào lại các ao hồ trong các công viên, nơi đất trống vì các ao hồ trước đây đã bị lấp hết. Nước mưa cần có nơi trữ tạm trước khi thoát ra sông” là giải pháp của bạn đọc Phong Vân (luongvanha@...) đề xuất.

Mời bạn đọc tiếp tục tham gia ý kiến bằng cách gửi email đến [email protected] hoặc bằng phần Phản hồi ý kiến ngay dưới bài viết liên quan.

A.C.

 

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên